Xây dựng TCVN, QCVN về trạm sạc và xe điện: Cần trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý dự thảo Báo cáo hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về xe điện.
Xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành
Bộ Công Thương nhận được Công văn số 2825/BKHCN-TĐC ngày 22/8/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc góp ý dự thảo Báo cáo hệ thống TCVN, QCVN về xe điện.
Góp ý với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương nêu rõ, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 23 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ đã quy định cụ thể phân công trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo lĩnh vực quản lý của các Bộ như sau: Trách nhiệm của Bộ Công Thương (trong lĩnh vực năng lượng điện): Xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn.
Cụ thể, an toàn kỹ thuật công nghiệp (an toàn các thiết bị chịu áp lực, thiết bị nâng, an toàn đối với thiết bị có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp); an toàn điện trong quản lý, vận hành trang thiết bị điện; khai thác mỏ và dầu khí (trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác dầu khí trên biển).
An toàn trong sản xuất cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, hóa chất (bao gồm cả hóa dược); An toàn, vệ sinh lao động (trừ máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động) đối với: công nghiệp cơ khí, luyện kim; sản xuất, truyền tải, phân phối điện; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khai thác than; khai thác, chế biến, vận chuyển, phân phối, tồn chứa dầu khí và sản phẩm dầu khí, trừ phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác trên biển…”.
Như vậy, đối với lĩnh vực năng lượng điện theo quy định tại Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong lĩnh vực năng lượng điện nêu trên, trong đó không bao gồm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hạ tầng điện cung cấp cho xe điện.
Thực hiện theo thẩm quyền, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện; Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; Thông tư số 39/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện.
“Bộ Công Thương đã hoàn thành trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện theo đúng phân công của Chính phủ” - Bộ Công Thương cho biết.
Cũng theo Bộ Công Thương, trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải đó là: Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được Chính phủ phân công: Phương tiện giao thông vận tải; các công trình hạ tầng giao thông… Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với các loại phương tiện giao thông vận tải và các công trình hạ tầng giao thông.
Còn trách nhiệm của Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được Chính phủ phân công: Công trình xây dựng dân dụng, nhà ở và công sở; kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn; công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; công trình giao thông trong đô thị; công trình công nghiệp…
Như vậy, theo quy định tại Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với: “Công trình xây dựng dân dụng, nhà ở và công sở”, “Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị”, “Công trình công nghiệp”, “Công trình giao thông trong đô thị”.
Trong đó, bao gồm các công trình về năng lượng theo quy định tại: Khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng ngày 18/6/2014 (Luật số 50/2014/QH13): Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác.
Mục II Phụ lục I Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, quy định: Công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp (công trình công nghiệp) là các công trình kết cấu dạng nhà (nhà công nghiệp) hoặc các hệ kết cấu khác sử dụng cho việc khai thác, sản xuất ra các loại nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, năng lượng phục vụ nhu cầu của con người và các ngành kinh tế.
Tại Điều 52 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định trách nhiệm của các Bộ: Trách nhiệm của Bộ Xây dựng: “Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này”; “Ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn trong thi công xây dựng công trình và hướng dẫn thi hành Nghị định này;” (Tại điểm b khoản 1 Điều 52);
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khác: Thực hiện quản lý nhà nước về những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này đối với công trình chuyên ngành; hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng và an toàn trong thi công xây dựng áp dụng cho các công trình xây dựng chuyên ngành” (Tại điểm a khoản 2 Điều 52).
Do vậy, theo các quy định trên, Bộ Xây dựng có trách nhiệm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về quản lý chất lượng công trình xây dựng (bao gồm công trình công nghiệp) sử dụng cho việc khai thác, sản xuất ra các loại nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, năng lượng phục vụ nhu cầu của con người và các ngành kinh tế.
Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khác thực hiện quản lý nhà nước về những nội dung thuộc phạm vi chuyên ngành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng và an toàn trong thi công xây dựng áp dụng cho các công trình xây dựng chuyên ngành do Bộ Xây dựng ban hành.
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý thiết bị sạc điện
Về dự thảo phân công trách nhiệm hoàn thiện hệ thống QCVN, TCVN về xe điện phục vụ quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, căn cứ các quy định nêu trên, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát, đề xuất Chính phủ giao trách nhiệm “Chủ trì, phối hợp với các bộ ngành xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hạ tầng điện cung cấp cho xe điện” cho các Bộ đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ và Điều 52 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ.
Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ đối với công trình chuyên ngành; hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng (trong đó bao gồm các công trình năng lượng) và an toàn trong thi công xây dựng áp dụng cho các công trình xây dựng chuyên ngành do Bộ Xây dựng ban hành.
Tiếp theo kiến nghị của Bộ Công Thương tại Công văn số 8353/BCT-KHCN ngày 26/12/2022 trả lời Công văn số 3440/BKHCN-TĐC của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bổ sung Trụ/Thiết bị sạc điện cho xe điện (Cột đo điện năng sạc xe điện) vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải xây dựng, ban hành Tiêu chuẩn quốc gia/Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được Chính phủ phân công liên quan đến: Hạ tầng cung cấp điện cho xe điện; Yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với Trụ/Thiết bị sạc điện cho xe điện để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong công tác quản lý Trụ/Thiết bị sạc điện, đồng thời đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.