SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đề Thám, thời kỳ huy hoàng

[21/09/2023 14:12]

Những người Pháp, bao gồm quan chức, sĩ quan, binh lính và các ký giả, có lẽ không thể hình dung được họ sẽ phải đối đầu với một “cáo già” Đề Thám thoắt ẩn thoắt hiện trong núi rừng Yên Thế kỳ tài đến vậy.

Năm 1909, nghĩa là một năm sau vụ “Hà Thành đầu độc” gây choáng váng quân Pháp tại Hà Nội, báo Tương lai Bắc Kỳ (l’Avenir du Tonkin) buộc phải đưa ra những lời bình luận cứng rắn, ngõ hầu lay động chính quyền thực dân Pháp triệt để xử lý Đề Thám. Theo tờ báo, Đề Thám đã “tự thiết lập nên một lãnh địa quan trọng”, là “nhà cung cấp vũ khí và đạn dược lớn cho các băng đảng hoạt động tại các địa điểm khác nhau trong vùng”, và trong rừng sâu, giữa lớp phòng vệ tự nhiên của những dãy núi đá, “ông ta có thể tha hồ chuẩn bị những thành lũy gần như không thể đánh chiếm”.

Dự cảm có phần bất an của Tương lai Bắc Kỳ, trên thực tế, đã diễn ra dữ dội, gay cấn hơn, khi chính quyền thực dân Pháp bắt đầu chiến dịch tấn công Đề Thám kéo dài từ cuối tháng 1 đến tháng 3 năm 1909. Chiến dịch này chấm dứt thời kỳ hòa hoãn thứ hai, bắt đầu từ cuối năm 1897. Chính quyền Pháp không thể nhẫn nhịn quá lâu. Còn Đề Thám, dĩ nhiên, không muốn yên vị trong tình thế nhượng bộ, thỏa hiệp mập mờ.

E. Maliverney, chủ bút Tương lai Bắc Kỳ, bởi phận sự phục vụ quốc gia tận tụy của mình, đã theo sát chiến dịch này bằng cách tập hợp, biên soạn và ấn hành cuốn sách "Người đương thời. Đề Thám” (L’homme du jour. Le De Tham) vào đúng năm 1909.

Đây là tài liệu sớm, có tính thời sự và rất sinh động, cụ thể về Đề Thám, về cuộc đánh dẹp Yên Thế tổn hao nhiều binh lực của quân đội Pháp. Cuốn sách gồm ba nội dung chính: thứ nhất, giới thiệu nguồn gốc, tiểu sử Đề Thám và một số hoạt động của ông trước năm 1909; thứ hai, các bài báo, điện tín của phóng viên, sĩ quan từng tham gia các trận đánh rải rác trước 1909; thứ ba, một số bài phóng sự, kí sự trận chiến năm 1909 vốn giằng co không chỉ trên chiến địa mà còn trong cả suy nghĩ, cảm xúc của những binh sĩ Pháp tham chiến trực tiếp.

Cuốn sách vừa được ra mắt vào cuối tháng 8/2023. Ảnh: MAT

Cuốn sách đặc biệt còn có tư liệu ảnh và bản đồ, có thể nói, đầy chân thực, chi tiết do chính quân đội Pháp thực hiện. Nếu không lật giở những tư liệu này, thật khó lí giải vì sao Đề Thám cùng đội quân phần nhiều là nông dân của ông, lại có thể “nghênh ngang một cõi” kéo dài gần ba mươi năm: ông dựa vào địa hình núi rừng, thông thạo và làm chủ hệ thống đường sá hiểm yếu trong vùng rộng lớn gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn; ông có mối làm ăn, liên kết với người Hoa; ông tập hợp và thu hút được một số tộc người gia nhập lực lượng thân binh; ông có khả năng tổ chức và xây dựng các đơn vị cư trú nhỏ (thôn/xóm, làng, châu) tự cung tự cấp cho dân chúng; ông thao túng được các thân hào; ông có những huynh đệ và thân tín trung thành; ông cũng mánh khóe, xảo quyệt “dẫn dắt các sĩ quan và lính Pháp đến những điểm mà Đề Thám hoặc các nghĩa quân của ông ta chiếm giữ, song ấy là khi quân Đề Thám đã rời khỏi đó được 12 hoặc 15 giờ”; một Đề Thám sẵn sàng cho người Pháp chụp ảnh cũng là Đề Thám chưa bao giờ có tung tích, lai lịch rõ ràng.

Cuốn sách, không vì thế mà thêu dệt huyền thoại Đề Thám. Ngược lại, tôi nghĩ, chính người Pháp đã cố gắng nắm bắt ông một cách tường tận. Họ truy tìm tiểu sử và họ bắt bớ người thân của ông. Họ cử những phái viên như Labbez và Maire đến tiếp xúc, đàm phán với ông. Thậm chí, giám mục Bắc Ninh là Vélasco cũng được Đề Thám tin tưởng… Nhưng rút cuộc, sau hàng loạt các cuộc tiếp xúc và giao hảo đó, người Pháp vẫn không biết gì hơn ngoài một Đề Thám “mãnh thú” cần phải truy đuổi, tiêu diệt tận cùng. Người Pháp phải thừa nhận năng lực quân sự xuất sắc của Đề Thám, thừa nhận “thời kì huy hoàng” mà Đề Thám từng “ngạo nghễ an cư giữa một thung lũng rộng lớn và màu mỡ”, nhưng mặt khác, họ cũng thường xuyên quy cho Đề Thám là “xảo quyệt”, “nham hiểm”, “gian dối”, “quê mùa”, “giặc cướp”,… Đề Thám, lần lượt hiện lên với các tính cách, diện mạo khác nhau trong sự đánh giá, truy đuổi nhọc nhằn của người Pháp. Chiến dịch quân sự năm 1909 của Pháp tại cứ điểm Yên Thế, có thể nói, vừa để làm suy yếu, tiêu diệt Đề Thám, vừa như một giải pháp tạm thời để kết thúc câu hỏi hóc hiểm cho chính người Pháp, rằng Đề Thám trên địa bàn Yên Thế, là một kiểu “anh hùng” hay là một “thủ lĩnh phiến loạn”.

Không đơn giản ngay từ đầu Đề Thám đã là khởi nghĩa nông dân chống giặc Pháp. Cũng không bỗng dưng người Pháp quyết tâm tiêu diệt “cái gai” Đề Thám. Lịch sử sẽ kéo dài các diễn giải chừng nào chúng ta còn thấy cần thiết. Chỉ xin lưu ý một điểm quan trọng: nhìn vào “bản đồ khu vực hoạt động của các băng đảng Đề Thám”, chúng ta thấy một loạt các trang trại/đồn điền của người Pháp vây quanh (Godard, Guillaume, Cheonay de Boisadam, Maliverney, Dupré, Piganol,…), đủ để nhận ra tính chất “mạng nhện” trong các hoạt động kinh tế, buôn bán làm ăn mà thực dân hay thủ lĩnh địa phương đều mắc dính một cách khó cưỡng.

Nhưng cuốn sách còn hấp dẫn và thú vị vì những thông tin bên lề chiến sự. Chẳng hạn, việc quân đội Pháp đã mang theo “bánh mì và rượu vang”, “mứt, sô-cô-la, sữa” cho binh lính. Có những bữa tiệc giữa trận tiền mà “thực đơn không hề nghèo nàn”, có pa-tê gan lợn, xa-lát đậu, gà áp chảo, bít-tết (trâu) nấu cháo, cà phê và rượu sau cà phê. Đánh trận với nghĩa quân Đề Thám mà vẫn “phong lưu” như thế thì không khó để thấy quân Pháp đã ỷ vào sức mạnh của pháo và súng máy thế nào. Cho nên, kết quả mà họ thu được là khả quan như ý đồ của họ. Căn cứ Yên Thế, sau 1909, dần suy yếu và hồi tàn cuộc của Đề Thám, từ đấy, cũng ngày một lộ rõ.

Cuốn sách “Người đương thời. Đề Thám” (L’homme du jour. Le De Tham) của E. Maliverney mới đây đã được dịch và xuất bản dưới tên “Đề Thám. Thời kỳ huy hoàng”, nhân dịp 110 năm ngày mất của "Hùm thiêng Yên Thế".

Cần nói thêm, ngay khi Đề Thám còn sống và sau đó, khi dư âm khởi nghĩa Yên Thế vẫn còn hằn sâu trên đất An Nam, người Pháp đã dành nhiều bút mực, báo chí, sách vở để đưa tin, giới thiệu, đánh giá và nhận định về “hùm thiêng” Yên Thế. Có thể kể đến một số tài liệu như Pirates et rebelles au Tonkin, nos soldats au Yen-The (Giặc giã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ, quân đội của chúng ta tại Yên Thế, 1892) của đại tá Henri Frey, người tham chiến trực tiếp trận đánh đồn Hố Chuối (cuối 1890 đầu 1891); Opérations militaires au Tonkin (Những cuộc hành quân tại Bắc Kỳ, 1896) của sĩ quan Chabrol; Hoang Tham pirate (Tướng cướp Hoàng Hoa Thám, 1933) của Paul Chack; Au Tokin. La vie aventureuse de Hoang Hoa Tham chef pirate (Ở Bắc Kỳ: Cuộc đời phiêu bạt của tướng cướp Hoàng Hoa Thám, khoảng giữa thập niên 1930) của A. L. Bouchet, người có nhiều lần gặp gia đình Đề Thám,…
Câu chuyện Đề Thám, dĩ nhiên, tiếp tục kéo dài trong giới sử học Pháp cho đến những năm gần đây, trong đó, có thể kể đến công trình Le De Tham 1846-1913: Un résistant vietnamien à la colonisation française (Đề Thám 1846-1913: Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp, 2007) của Claude Gendre.

https://khoahocphattrien.vn (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ