Bộ KHCN: Ba chương trình hợp tác quốc tế lớn
Nhằm triển khai “Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020”, Bộ KH&CN sẽ trình Thủ tướng thông qua ba chương trình lớn: Hợp tác nghiên cứu chung song phương và đa phương về KH&CN; Tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ hợp tác quốc tế về KHCN; và Tìm kiếm, giải mã và chuyển giao công nghệ nước ngoài về Việt Nam.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp "Nâng cao
hiệu quả phối hợp hoạt động hợp tác quốc tế giữa các đơn vị thuộc Bộ KH&CN"
do Thứ trưởng Trần Việt Thanh chủ trì ngày 27/4 tại Hà Nội.
Ông Mai Hà – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN)
cũng đưa ra một báo cáo cho biết, hiện Việt Nam có các chương trình hợp tác
KHCN với 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, bên cạnh đó cũng tham gia các cơ chế hợp
tác đa phương trong khuôn khổ các tổ chức ASEAN, APEC, ASEM, IAEA, LHQ,... Bộ
KH&CN cũng đã chủ trì, phối hợp triển khai gần 200 nhiệm vụ hợp tác quốc tế
về KHCN theo nghị định thư với 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Còn ông Lương Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc
tế, cho rằng, quá trình hội nhập tại các nước đang phát triển đều trải qua 3 bước:
nâng tầm, tham gia và tích hợp. Trong đó, quá trình tích hợp đuợc hiểu là
quốc gia hội nhập đã trở thành một phần của hệ thống hoặc thể chế KHCN của thế
giới trên cơ sở các quy tắc chung. Ông Thắng hiện đang kiêm nhiệm chức danh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc
tế trực thuộc Bộ KH&CN - đơn vị đã lựa chọn 4 quốc gia Đức, Áo, Hàn Quốc và
Nhật Bản làm đối tác chính trong hoạt động hợp tác quốc tế của mình.
"Nếu như hội nhập kinh tế quốc tế là dòng chảy của
hàng hoá, thì cái hồn của hội nhập KHCN quốc tế là dòng chảy của tri thức. Do
đó, các nước nhận thức được điều này đều tìm cách để dòng tri thức đổ vào nước
mình càng nhiều càng tốt" - ông Thắng nói.