Làm chủ công nghệ liên lạc hữu tuyến hầm lò trong lực lượng cứu hộ, cứu nạn mỏ
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (Bộ Công Thương) đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ chế tạo bộ liên lạc hữu tuyến hầm lò cung cấp cho ngành khai thác than trong nước. Đây là kết quả của đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ liên lạc hữu tuyến hầm lò trong lực lượng cứu hộ, cứu nạn mỏ” do Viện chủ trì vừa được Hội đồng nghiệm thu của Bộ Công Thương đánh giá cao.
Đảm bảo an toàn trong khai thác hầm lò
Những năm gần đây, ngành than dù đã ý thức được vấn đề về an toàn mỏ, nhưng hàng năm chỉ tính riêng các mỏ than hầm lò ở Quảng Ninh vẫn luôn xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như: cháy nổ khí mỏ; bục nước, sập đổ lò, ngạt khí... , gây hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thất lớn về người và tài sản... Do đó, công tác đảm bảo an toàn, nhằm bảo vệ con người trong khai thác mỏ hầm lò luôn được đặt lên hàng đầu trong quá trình sản xuất. Để đa dạng hoá hoạt động khai thác than, nhiều công ty than đã đẩy mạnh quá trình khai thác vào sâu trong lòng đất. Mặc dù công tác an toàn lao động luôn được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các công ty khai thác chú trọng, tuyên truyền, kiểm tra định kỳ nhưng việc khai thác sâu vẫn luôn tiềm ẩn những sự cố bất ngờ, đáng tiếc xảy ra bất cứ lúc nào.
Xuất phát từ thực tế đó, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ liên lạc hữu tuyến hầm lò trong lực lượng cứu hộ, cứu nạn mỏ” nhằm chế tạo ra thiết bị có khả năng truyền tải thông tin từ vị trí sự cố dưới hầm lò lên trung tâm điều hành, giúp cơ sở kịp thời nắm rõ tình hình đang xảy ra, để hướng dẫn xử lý tình huống, điều động nhân lực, thiết bị hỗ trợ các lực lượng cứu hộ hoàn thành nhiệm vụ.
Làm chủ công nghệ chế tạo bộ liên lạc hữu tuyến hầm lò
Với mục tiêu làm chủ công nghệ chế tạo bộ liên lạc hữu tuyến hầm lò cung cấp cho ngành khai thác than trong nước, giúp nội địa hóa bộ liên lạc hữu tuyến hầm lò tương thích với thiết bị nhập ngoại, các nhà khoa học của Viện đã tập trung nghiên cứu các nội dung: tổng quan về thiết bị, hệ thống ứng dụng trong công tác cứu hộ, cứu nạn trong hầm lò; giải mã công nghệ bộ liên lạc hữu tuyến UGOLEK-2M của Nga; thiết kế chế tạo nội địa hóa máy cơ sở và máy tiểu đội; thiết kế chế tạo bộ sạc pin cho máy cơ sở và máy tiểu đội.
Ông Nguyễn Xuân Đồng - Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa, chủ nhiệm đề tài cho biết, từ nghiên cứu bộ liên lạc hữu tuyến UGOLEK-2M của Nga cho thấy, thiết bị này gồm 2 máy (một máy tiểu đội và một máy chỉ huy) với thiết kế thân vỏ giống nhau (đai cao su màu đen hoặc đỏ là máy chỉ huy và đai cao su màu vàng là máy tiểu đội). Thiết bị có cấp bảo vệ vỏ máy IP54. Trong quá trình làm việc, tại máy tiểu đội khi muốn cảnh báo khẩn cấp hoặc yêu cầu được trả lời, người sử dụng ấn và giữ nút phát thì một tín hiệu báo động với tần số 1kHz sẽ được gửi đến máy chỉ huy, lúc này loa trên máy chỉ huy và máy tiểu đội sẽ phát âm thanh kéo dài để báo hiệu cho trung tâm chỉ huy. UGOLEK-2M được thiết kế, chế tạo là thiết bị an toàn tia lửa, được cấp nguồn an toàn tia lửa từ pin 3,7 V (pin sử dụng là pin Liion, dung lượng 700 mAh). Nguồn pin này dùng để cung cấp cho thiết bị, đầu ra được hàn nối tiếp với cầu chì tự hồi phục 200 mA. Trên cơ sở phân tích thiết kế bộ đàm hữu tuyến UGOLEK-2M của Nga, nhóm nghiên cứu đã xây dựng sơ đồ khối cho bộ liên lạc hữu tuyến hầm lò VIELINA có cấu trúc giống với sơ đồ khối của bộ UGOLEK-2M gồm máy chỉ huy và máy tiểu đội. Các module cũng được thiết kế với kích thước tương đương với các module trong bộ liên lạc hữu tuyến UGOLEK-2M của Nga để dễ dàng trong việc thay thế 1 - 1 khi bị hỏng. Tuy nhiên, để đảm bảo tiêu chuẩn cho các thiết bị điện sử dụng trong môi trường hầm lò tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã thiết kế bổ sung thêm 2 khối an toàn tia lửa đường truyền và khối an toàn tia lửa nguồn pin.
Máy chỉ huy của VIELINA sẽ được đặt tại trung tâm chỉ huy và đội cứu hộ sẽ thực hiện kéo cáp tín hiệu từ vị trí này xuống khu vực xảy ra sự cố. Tại máy chỉ huy, các cán bộ điều hành có thể nghe liên tục các thông tin từ đội cứu hộ từ khi bật nguồn và đã kết nối 2 máy với nhau. Còn máy tiểu đội sẽ do trưởng nhóm cứu hộ sử dụng trực tiếp cập nhật thông tin tình hình sự cố, đề xuất các yêu cầu, mệnh lệnh với trung tâm điều hành. Trưởng nhóm cứu hộ có thể giao tiếp liên tục với trung tâm điều hành ngay khi bật nút nguồn.
Với thế mạnh là viện nghiên cứu đầu ngành về điện tử, tin học, tự động hóa, các nhà khoa học của Viện đã chế tạo thành công 2 bộ liên lạc hữu tuyến hầm lò VIELINA (mỗi bộ gồm một máy chỉ huy, một máy tiểu đội và một bộ sạc pin) theo thuyết minh đăng ký của đề tài. Sản phẩm có chức năng và thông số kỹ thuật tương đương với bộ liên lạc hữu tuyến UGOLEK-2M của Nga. Các thiết bị đã được kiểm định theo tiêu chuẩn an toàn TCVN7079 tại Trung tâm Kiểm định Công nghiệp I và đã được thử nghiệm thực tế tại Trung tâm Cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Việc làm chủ công nghệ chế tạo bộ liên lạc hữu tuyến hầm lò có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ khẳng định năng lực làm chủ công nghệ của Viện nói riêng và các nhà khoa học Việt Nam nói chung, mà còn đóng góp những sản phẩm có ý nghĩa thiết thực trong công tác cứu hộ, cứu nạn.