Các chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất trên thế giới
Trên thế giới hiện nay đã có một số tổ chức triển khai hoạt động Chứng nhận chuyên gia năng suất, tuy nhiên cách tiếp cận của các tổ chức có nhiều điểm khác biệt theo đặc thù lĩnh vực hay khách hàng mà các tổ chức đó hướng đến. Bài viết này đề cập tới một số tổ chức đang triển khai hoạt động chứng nhận chuyên gia năng suất trên thế giới.
Tổ chức đầu tiên triển khai các hoạt động chứng nhận chuyên gia năng suất có thể kể tới là Hiệp hội các chuyên gia năng suất (The Association of Productivity Specialists - APS[1]). Hiệp hội được thành lập tại Mỹ vào năm 1976, thực hiện nhiệm vụ chính là đào tạo và chứng nhận chuyên gia năng suất. Các chuyên gia này phải là nhân viên làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp và không giới hạn về vị trí công việc, lĩnh vực chuyên môn. Đội ngũ chuyên gia năng suất này được xem là lực lượng nòng cốt tham gia vào xây dựng chiến lược phát triển cho các doanh nghiệp.
Chương trình chứng nhận do APS đưa ra bao gồm 3 cấp độ chuyên gia: Chuyên gia năng suất – Chuyên gia năng suất cao cấp – Chuyên gia năng suất bậc thầy. Một chuyên gia năng suất được APS đánh giá thông qua 04 nhóm tiêu chí:
- Thành tích giáo dục (bằng cấp được đào tạo hoặc kết quả học tập từ thực tế công việc)
- Kinh nghiệm công việc (thể hiện rằng chuyên gia phải có kinh nghiệm trải qua các vị trí công việc khác nhau)
- Năng lực chuyên gia (thế hiện thông qua 03 nội dung: Bài kiểm tra viết do APS giám sát thực hiện/ Miêu tả dự án thực tế mà chuyên gia đã triển khai/ Phỏng vấn trực tiếp do một nhóm chuyên gia APS thực hiện)
- Cam kết về đạo đức nghề nghiệp do APS quy định.
Riêng đối với cấp độ Chuyên gia năng suất bậc thầy, ứng viên phải có 5 năm kinh nghiệm làm quản lý cấp cao tại công ty và phải có 5 năm giữ vị trí chuyên gia năng suất. Đến nay, APS đã có 353 doanh nghiệp tham gia mạng lưới và có 46 chuyên gia năng suất bậc thầy được chứng nhận.
Một cách tiếp cận khác là đào tạo và chứng nhận chuyên gia năng suất hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ do NAPO University thực hiện. Chuyên gia năng suất tham gia chương trình này là các chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, được đào tạo về kiến thức và kỹ năng về năng suất cho phép họ tối ưu quản lý thời gian và triển khai các công vụ năng suất ở quy mô rất nhỏ. Để được cấp chứng chỉ, ứng viên cần tham gia khóa học gồm 10 module với thời lượng 15 giờ và thực hành công cụ năng suất vào thực tế. Chương trình chứng nhận này không yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm triển khai các dự án năng suất trước khi tham gia khóa học, do đó có thể chưa đáp ứng đầy đủ được các yêu cầu về năng lực làm việc thực tế so với các chương trình chứng nhận khác. Cách tiếp cận này cũng được áp dụng với chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất của Scott-Grant Limited [2], Coach Foundation [3], Institute for Challenging Disorganization [4].
Ở khu vực Châu Á, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) triển khai chương trình hỗ trợ các quốc gia thành viên (NPO) xây dựng Chương trình chứng nhận Chuyên gia năng suất theo tiêu chuẩn APO PS 101:2019. Chương trình khởi động từ năm 2018, với 2 quốc gia thành viên đầu tiên là Malaysia và Việt Nam, đến năm 2023 đã có thêm 5 quốc gia xây dựng thành công Tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất gồm có: Mông Cổ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ. Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất do APO xây dựng hướng tới đối tượng là các Chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực Tư vấn, Đào tạo, Nghiên cứu và Quảng bá năng suất. Để trở thành chuyên gia năng suất do APO chứng nhận, ứng viên cần thực hiện các hoạt động trong quá trình chứng nhận gồm có:
- Tham gia khóa đào tạo Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất
- Hoàn thiện hồ sơ chứng nhận Chuyên gia năng suất theo các tiêu chí đánh giá quy định tại APO PS 101:2019 Yêu cầu đối với chuyên gia năng suất
- Bài kiểm tra viết thời lượng 150 phút
- Bài phỏng vấn trực tiếp do chuyên gia APO thực hiện
Viện Năng suất Việt Nam cùng với Văn phòng Chứng nhận Chuyên gia năng suất ViProCB đang triển khai hoạt động đào tạo và chứng nhận Chuyên gia năng suất đáp ứng tiêu chuẩn APO PS 101:2019, đến nay đã có 18 chuyên gia được phê duyệt.