SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hoạt động xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận dấu vết carbon của sản phẩm

[15/03/2024 14:02]

Ngày 14/3, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo công tác chuyên môn tháng 2/2024 với chuyên đề “Hoạt động xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận dấu vết carbon của sản phẩm”.

Tham dự hội thảo có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng, cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chia sẻ về hoạt động xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận dấu vết carbon của sản phẩm, bà Trần Thị Ngọc Anh – Trưởng phòng chứng nhận hệ thống, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) cho biết, khí nhà kính là thành phần dạng khí, có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (bức xạ hồng ngoại) trong dải bước sóng do Trái đất gây ra, phản xạ từ bề mặt trái đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, phân tán lại nhiệt cho Trái đất gây nên hiệu ứng nhà kính. Các loại Khí nhà kính gồm: Carbon Dioxide – CO2, Methane – CH4, Nitrious – N2O, Chlorofluorocarbon-12 (CFC-12) – CCI2F2, Hydrofluorocarbon-23 (HFC-23) – CHF3, Sulfur Hexafluoride – SF6, Nitrogen Trifluoride – NF3 và các nhóm khí nhà kính khác (HFC, PFC...).

TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL điều hành phiên thảo luận.

Hiệu ứng nhà kính dùng để chỉ hiệu ứng xảy ra khi năng lượng bức xạ của tia sáng mặt trời xuyên qua cửa sổ hoặc mái nhà bằng kính, được hấp thụ và phân tán trở lại thành nhiệt lượng cho bầu không gian bên trong, dẫn đến việc sưởi ấm toàn bộ không gian bên trong chứ không phải chỉ ở những chỗ chiếu sáng.

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu như không khí, nước, đất đá, băng, sinh vật, thể hiện ở thay đổi thời tiết và xuất hiện ở một khu vực hoặc toàn cầu. Biến đối khí hậu tác động rất lớn đến thiên nhiên, trong đó, băng tan khiến nước biển dâng, nhiệt độ đại dương tăng, axit hóa đại dương, sa mạc hóa khiến cháy thảm thực vật và đất trở nên cằn cỗi. Ngoài ra, tăng tốc độ bay hơi nước khiến xuất hiện nhiều cơn bão thời tiết trở nên cực đoan.

Bà Trần Thị Ngọc Anh – Trưởng phòng chứng nhận hệ thống, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT).

Liên quan đến vấn đề này, bà Ngọc Anh dẫn chứng ví dụ về thông tin biến đổi khí hậu tại các nơi trên thế giới như Canada ghi nhận nhiệt độ cao nhất lịch sử 49,5 độ C, hay hạn hán diễn ra ở Châu Âu “tồi tệ nhất 500 năm”, Đà Lạt ngập sâu sau mưa... Có thể thấy, biến đổi khí hậu tác động trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là 1/10 nước bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Nếu nước biển dâng 100 cm, diện tích mất đi từ 61-80%: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau; Từ 55-60%: Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang; Từ 30-50%: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Thái Bình, Nam Định; Từ 20-29%: Long An, Ninh Bình, Hải Phòng.

Chính vì những tác động của biến đổi khí hậu, các tổ chức trên toàn cầu đã đề ra mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Trong đó, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu đề ra mục tiêu ổn định mức KNK trong khí quyển, ngăn chặn sự can thiệp tiêu cực của con người với khí hậu.

Hay Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cung cấp các đánh giá thường xuyên về cơ sở khoa học của biến đổi, tác động của nó và rủi ro trong tương lai, cũng như các phương án để thích ứng và giảm thiểu; Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu mục tiêu là ổn định lượng KNK trong khí quyển ở mức ngăn ngừa tác động nguy hiểm của con người vào khí hậu; Thỏa thuận Paris nội dung chính là đạt đỉnh của phát thải KNK càng sớm càng tốt, hạ vào nửa sau thế kỷ (2050), tăng nhiệt độ toàn cầu < 2°C, nỗ lực ≤ 1,5; Đánh giá thực hiện 5 năm/lần và từ 2020 cung cấp 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển; Hay Hiệp ước Glasgow cam kết phát thải ròng KNK bằng 0 ở 140 nước, chấm dứt phá rừng đến năm 2030 là hơn 100 nước; Cắt giảm 30% methan đến năm 2030 là gần 100 nước; Loại bỏ điện than là 40 nước; Hướng xe ô tô không xả thải đến năm 2040 là 24 nước; Hỗ trợ công nghiệp sạch là 450 tổ chức TC; Đặt thời hạn chấm dứt sử dụng dầu mỏ; Mỹ và Trung quốc hợp tác giảm KNK…

Cũng theo bà Ngọc Anh hướng đến phát triển bền vững giúp duy trì sức khỏe và khả năng sinh học của môi trường, hỗ trợ phúc lợi của các cá nhân và cộng đồng. Ngoài ra, thúc đẩy nền kinh tế tốt hơn, nơi có ít chất thải và ô nhiễm, ít khí thải hơn, nhiều việc làm và phân phối của cải tốt hơn.

Chia sẻ về giải pháp giúp thay đổi biến đổi khí hậu, bà Ngọc Anh cho hay, trung hòa carbon và net - zero hiện đang là xu hướng toàn cầu. Trung hòa carbon được hiểu là không thêm phát thải khí nhà kính mới vào bầu khí quyển. Ở những nơi tiếp tục phát thải, chúng phải được bù đắp bằng cách hấp thụ một lượng tương đương từ khí quyển, ví dụ thông qua thu giữ carbon và tái trồng rừng được hỗ trợ bằng các chương trình tín chỉ carbon.

Net zero là “tình trạng trong đó lượng phát thải khí nhà kính dư thừa (GHG - Greenhouse gas) do con người gây ra được cân bằng bằng việc loại bỏ do con người thực hiện trong khoảng thời gian xác định và trong ranh giới xác định”. Để đạt được sự cân bằng này là quá trình phức tạp, liên quan đến giảm phát thải, bù đắp và công nghệ đổi mới.

Việc chuyển sang thế giới không phát thải có thể đạt được bằng cách giảm phát thải tại nguồn và cân bằng lượng phát thải dư thông qua loại bỏ carbon dioxide. Giảm phát thải là quá trình cắt giảm trực tiếp lượng phát thải của tất cả loại khí nhà kính (CO2 và các loại khí nhà kính khác bao gồm metan (CH4), oxit nitơ (N2O) và hydrofluorocarbons, những chất có xu hướng giữ nhiệt nhiều hơn carbon dioxide).

Toàn cảnh hội thảo.

Tại Việt Nam, mục tiêu ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và Thông tư 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); mức đóng góp này có thể lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris; Loại trừ hoàn toàn các chất CFC, Halon, CTC và nhiều chất đang được kiểm soát như HCFC, Methyl bromide; Không tăng lương tiêu thụ các chất hydrofluorocarbon (HFC) - những chất được sử dụng trong sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, thiết bị dập cháy… gây ảnh hưởng đến tầng ô-dôn kể từ năm 2024 và giảm 80% lượng tiêu thụ vào năm 2045.

Trong khuôn khổ hội thảo, bà Ngọc Anh đề ra một số biện pháp giảm thiểu khí nhà kính, trong đó, sử dụng năng lượng từ nước, năng lượng điện mặt trời, năng lượng mặt trời, năng lượng từ gió, năng lượng địa nhiệt thay thế loại nhiên liệu sử dụng, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, loại bỏ hấp thụ khí nhà kính từ quá trình đốt nhiên liệu, sản xuất nguyên liệu CO2…

Tại hội thảo cũng diễn ra phần thảo luận, giải đáp những thắc mắc, khó khăn giữa chuyên gia và đại biểu tham dự.

https://vietq.vn/ (tnxmai)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ