Nhận diện những 'mánh khóe' gian lận trong kinh doanh xăng dầu
Thời gian qua có tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bất chấp pháp luật, tác động tinh vi bằng công nghệ vào thiết bị đo, đếm của phương tiện đo để “móc túi” người tiêu dùng.
Theo nhận định từ Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), xăng dầu là sản phẩm có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội. Trên phương diện kinh tế, giá trị của mọi sản phẩm hàng hoá dịch vụ ít nhiều đều chứa đựng giá trị của xăng dầu.
Năm 2022 và 2023, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới phục hồi, phát triển tích cực, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ… trên toàn cầu và trong nước trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, do cuộc xung đột vũ trang giữa Nga với Ukraine diễn ra bất ngờ, bị động làm cho cung-cầu năng lượng trên thế giới mất cân đối, giá xăng dầu trên thị trường thế giới và ở Việt Nam biến động tăng giảm đan xen liên tục.
Bên cạnh doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật cũng còn tồn tại một vài doanh nghiệp vi phạm quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, về giấy phép, điều kiện kinh doanh, chất lượng, đo lường. Trong đó, vì nhiều lý do khác nhau cũng còn những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bất chấp pháp luật, tác động tinh vi bằng công nghệ vào thiết bị đo, đếm của phương tiện đo để “móc túi” người tiêu dùng.
Qua quá trình tìm hiểu, theo dõi, kiểm tra, giám sát, lực lượng Quản lý Thị trường cho biết, hiện nay các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu rất tinh vi, dùng đến công nghệ điều khiển từ xa để điều khiển nguồn điện từ wifi, can thiệp vào thiết bị của phương tiện đo, lập trình điều chỉnh sai số của phương tiện đo thông qua IC (Integrated Circuit - mạch tích hợp, vi mạch) hoặc EEPROM (electrically erasable programmable ROM - bộ nhớ chỉ đọc, lập trình được và có thể xoá bằng điện) trên bo mạch chính của phương tiện đo nhưng tất cả vị trí dán tem, niêm phong, kẹp chì của cơ quan đo lường vẫn còn giữ nguyên vẹn không phát hiện có sự thay đổi.
Việc điều chỉnh sai số ở trụ bơm thông qua phần mềm đã được nạp vào IC, hoạt động theo nguyên tắc đảo chiều "2 trong 1", chỉ cần ngắt cầu dao này mở cầu dao khác; hoặc nhá điện, ấn tổ hợp phím được quy định sẵn trên bàn phím của cột đo; cách sử dụng gian lận là lập trình quy định mã số, mức chênh lệch, mật khẩu trên bàn phím của cột đo khi sử dụng, việc này chỉ có người sử dụng phương tiện đo và người thay thế IC được lập trình mới biết được. Việc thực hiện này có thể được điều khiển từ xa nên không thể phát hiện bằng "mắt thường" để bắt được phạm pháp quả tang.
Cục QLTT tỉnh Gia Lai kiểm tra một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Thông qua quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong hệ thống quản lý thị trường và nghiên cứu cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các loại mẫu phương tiện đo đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phê duyệt mẫu được phép lưu hành và sử dụng tại Việt Nam. Từ nguyên lý hoạt động của từng loại mẫu cột bơm, lực lượng Quản lý Thị trường đã phân tích từng vị trí có thể can thiệp, thay thế linh kiện, tác động để làm sai lệnh kết quả đo.
Để tiếp cận, tìm hiểu tính năng, hoạt động của các thiết bị này, qua quá trình thâm nhập và bằng biện pháp nghiệp vụ với vai trò là chủ một cửa hàng kinh doanh xăng dầu để đi tìm mua các thiết bị gian lận (mà giới kinh doanh xăng dầu thường gọi là các thiết bị giảm hao hụt), các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu cho biết: thiết bị thay thế để giảm hao hụt trong kinh doanh xăng dầu, loại thiết bị này là IC, EEPROM đã được lập trình sẵn có thể thay đổi mức chênh lệnh mà chỉ có người lập trình mới biết được mật khẩu này, khi bán cho chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu có kèm theo mật khẩu cài đặt gian lận từ 1 đến 10% và cách xoá gian lận trả về sai số cho phép (+/-0,5%), nếu gian lận bằng IC và EEPROM thì quá trình cài đặt gian lận chỉ được sử dụng trực tiếp trên bo mạch chính của phương tiện đo, còn xoá gian lận thì được thực hiện hai cách: một là bấm phím trên bàn phím của phương tiện đo (ví dụ C và E), hai là cúp điện gây sốc điện cho IC.
Chỉ cần cúp cầu giao điện và bật lại thì có thể xoá hết dấu vết vi phạm, khi cầu dao bật trở lại, các đồng hồ điện tử tự động reset (đặt lại, khởi động lại hệ thống) lại như bình thường. Hành vi điều chỉnh gian dối được phi tang. Khi muốn gian lận trở lại thì nhập mã trực tiếp từ bàn phím của cột bơm. Các gian lận kiểu này rất khó phát hiện vì không có chứng cứ chứng minh hành vi can thiệp, tác động vào phương tiện đo.
Từ những kinh nghiệm có được, lực lượng Quản lý Thị trường đã nhanh chóng áp dụng vào thực tế kiểm tra. Điều đặc biệt quan trọng của Đoàn kiểm tra là chọn thời điểm kiểm tra phù hợp (không trong giờ hành chính, thời điểm cửa hàng đông khách nhất); không sử dụng xe công vụ, đi đổ xăng dầu như một người sử dụng; Đoàn kiểm tra phải có được sơ đồ điện, các cột đo tại cửa hàng; công tác kiểm tra phải tuyệt đối bí mật, bất ngờ, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong đoàn theo đúng vị trí, không cho phép bất kỳ ai tác động trực tiếp đến các thiết bị như: cúp điện, bật/mở công tắt điện, đảo dòng diện; chạm tay vào bàn phím máy tính, bàn phím cột bơm, điều chỉnh trên điện thoại di động, tìm và tắt hệ thống wifi ở hiện trường. Có như vậy mới giữ nguyên hiện trạng gian lận phạm pháp quả tang mà chủ thể kinh doanh đã sử dụng, nếu không thì hành vi gian lận sẽ được phi tang ngay lập tức.
Từ những nghiên cứu tích lũy và bằng phương pháp thực hiện nêu trên, qua theo dõi mật phục, xác định địa điểm rõ ràng có sử dụng chiêu gian lận đo lường, xác định thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ hằng ngày là thời gian cửa hàng đông khách nhất (bà con đổ xăng trước khi đi làm).
Điển hình của những lần kiểm tra là vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 24 tháng 4 năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện Cửa hàng xăng dầu số 2 thuộc Công ty TNHH Hưng Long, địa chỉ Làng Dang, xã Iao, huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai, đang sử dụng cột đo xăng 95-III để bơm xăng bán trực tiếp qua vòi cấp phát, tại thời điểm kiểm ta Đoàn kiểm tra đã phân công thành viên chốt chặt các vị trí được phân công, tắt hệ thống wifi tại hiện trường; ngay lập tức Kiểm định viên tiến hành kiểm tra đo lường và phát hiện phương tiện đo này đã được chủ cơ sở sử dụng nguồn điện để tác động vào cấu trúc kỹ thuật phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo vượt quá giới hạn sai số cho phép, mức độ hao hụt lên đến +9,25% lượng xăng bán cho khách hàng.
Thử lại bằng cách tắt nguồn điện khởi động lại thì cột bơm xăng này có mức sai số chỉ còn 0,3% (mức đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường Việt Nam - tiêu chuẩn này cho cho phép sai số đến 0,5%). Đoàn kiểm tra đã niêm phong phương tiện đo, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử phạt và truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp lên đến 375.140.178 đồng, đồng thời tịch thu phương tiện đo vi phạm.
Tiếp sau đó, cũng sau nhiều ngày mật phục, xác định thời gian và địa điểm rõ rang, ngày 26 tháng 4 năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang hành vi gian lận tương tự tại Cửa hàng xăng dầu thuộc DNTN Nguyễn Lân, địa chỉ làng H’Lim, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Tại đây doanh nghiệp này sử dụng cột đo xăng E5 RON92 để bơm xăng bán trực tiếp qua vòi cấp phát, việc sử dụng nguồn điện để tác động vào cấu trúc kỹ thuật phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo vượt quá giới hạn sai số cho phép, mức độ hao hụt lên đến +7,68% lượng xăng bán cho khách hàng. Đoàn kiểm tra đã niêm phong phương tiện đo, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử phạt và truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp 119.602.581 đồng và tịch thu phương tiện đo xăng E5 RON92 vi phạm.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, để đảm bảo ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần răn đe cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh khác, ngoài thực hiện theo chức năng nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các ngành, nhất thiết phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các thành viên phối hợp trong Đoàn kiểm tra, như: Công an, Tài chính, Khoa học – Công nghệ, Quản lý thị trường và chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, để hạn chế, đẩy lùi gian lận đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, các cơ quan chức năng khi thực hiện nhiệm vụ của mình cần chú ý các nội dung sau:
Một là, yêu cầu các cửa hàng kinh doanh xăng dầu: ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định hiện hành, cần phải sử dụng cột đo xăng dầu đã được phê duyệt mẫu có giấy xác nhận mạch điều khiển và IC chương trình của nhà sản xuất. Các cột đo xăng dầu cũ hoặc chưa có giấy xác nhận mạch điều khiển và IC chương trình của doanh nghiệp sản xuất cột đo xăng dầu thì doanh nghiệp phải liên hệ với doanh nghiệp sản xuất cột đo xăng dầu để thực hiện việc chuẩn hóa và cung cấp giấy xác nhận về mạch điều khiển và IC chương trình.
Hai là, yêu cầu các cửa hàng kinh doanh xăng dầu khi thiết kế, lắp đặt các cầu dao, thiết bị, công tắc đóng ngắt nguồn điện của các cột đo xăng dầu phải bảo đảm các quy định về an toàn và chỉ được lắp đặt tại một vị trí, không được lắp đặt tại nhiều vị trí khác nhau. Vị trí lắp đặt phải thuận tiện cho việc quan sát, đóng ngắt nguồn điện khi cần thiết, không được lắp đặt tại các vị trí kín đáo, khó tiếp cận. Bản vẽ hệ thống nguồn điện cấp cho các trụ bơm phải sẵn sàng để cung cấp cho cơ quan quản lý và đoàn thanh kiểm tra.
Ba là, đối với thiết bị, phương tiện (bộ điều khiển từ xa, điện thoại di động, máy tính...) điều khiển từ xa hoặc tác động để điều khiển đóng ngắt nguồn điện hoặc làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của cột đo xăng dầu không được phép sử dụng; Không được bố trí, sử dụng các thiết bị, phương tiện (ví dụ như bộ điều khiển từ xa, điện thoại di động, máy tính...) điều khiển từ xa hoặc tác động để điều khiển đóng ngắt nguồn điện hoặc làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của cột đo xăng dầu; Không được lắp đặt các công tắc đóng ngắt nguồn điện, công tắc điều khiển liên quan tới mạch điều khiển của cột đo xăng dầu ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, khi lắp đặt mới, thay thế, sữa chữa cột đo xăng dầu phải do doanh nghiệp sản xuất trụ bơm thực hiện hoặc do đơn vị, đại lý có giấy chứng nhận ủy quyền của doanh nghiệp sản xuất trụ bơm; phải có biên bản bàn giao nghiệm thu hoặc hợp đồng lắp ráp, sữa chữa cột đo xăng dầu, giấy chứng nhận mạch điều khiển và IC chương trình, bản cam kết của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và đơn vị lắp ráp, sửa chữa về việc không có các hành vi tác động gây sai số vượt quá giới hạn cho phép đối với cột đo xăng dầu.