TCVN về phương tiện giao thông đường bộ - xe điện: Công cụ tăng cường công tác quản lý chất lượng
Trong khuôn khổ hợp tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về xe điện giữa Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), ngày 18/3/2024, Hội thảo tham vấn “Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về Phương tiện giao thông đường bộ - Xe điện” đã được tổ chức tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Tham dự hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ), ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ Trưởng Vụ Tiêu chuẩn, ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, bà Trịnh Thị Bích Thủy - Đại diện Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường – Bộ GTVT, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, GS.TS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (Trưởng ban kỹ thuật TCVN/TC 22: Phương tiện giao thông đường bộ); đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Trung tâm thử nghiệm, các Hiệp hội, Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe điện và chuyên gia trong lĩnh vực.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc sử dụng phương tiện giao thông xanh, thông minh với nguồn năng lượng sạch là sự bắt buộc và xu thế tất yếu. Các tổ chức tiêu chuẩn hóa khu vực, quốc tế như ECE, ISO, UN… đã đưa vào tiêu chuẩn thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ, tiêu chuẩn sản phẩm cho các loại xe tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường với yêu cầu chất lượng cao. Việc này nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tăng cường an toàn cho phương tiện, người sử dụng và bảo vệ môi trường.
Theo ông Phương, TCVN 13058:2024 và TCVN 13060:2024 là hai tiêu chuẩn soát xét tham khảo UNR 100, UN GTR 20 và UNR 136 phiên bản mới nhất để kịp thời hỗ trợ các trung tâm thử nghiệm trong phê duyệt kiểu loại xe. Trong khi TCVN 14137:2024 xây dựng mới trên cơ sở tham khảo UNR 154 Revision 1 rất cần thiết để xác định tiêu thụ điện năng và quãng đường chạy của ô tô điện. 03 TCVN về xe điện sẽ hoàn thiện thêm bộ tiêu chuẩn quốc gia về xe điện. Các TCVN này là công cụ để tăng cường công tác quản lý chất lượng như quản lý chất lượng xe, đồng thời hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe điện và doanh nghiệp phụ trợ.
Ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam phát biểu khai mạc tại hội thảo.
Cũng tại hội thảo, bà Trịnh Thị Bích Thủy - Đại diện chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) điểm qua những dự án hai bên đã hợp tác thành công, đồng thời nhấn mạnh hội thảo được tổ chức góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đang xây dựng.
Bà Thủy mong muốn sẽ có thêm nhiều hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Bà Trịnh Thị Bích Thủy - Đại diện chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) phát biểu tại hội thảo.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã có bài tham luận tổng quan hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia về xe điện và 3 dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về xe điện đang xây dựng do GS. TS. Lê Anh Tuấn trình bày, tham luận về 02 dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia soát xét TCVN 13058:2024 và TCVN 13060:2024 với những nội dung mới nhất được cập nhật do ông Phạm Quang Thành (Ban kỹ thuật TCVN/TC22) trình bày; tham luận về dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 14137:2024 được xây dựng mới do ông Lê Hồng Việt (Ban kỹ thuật TCVN/TC22) trình bài.
Tại phần thảo luận, các đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện hiệp hội và nhà sản xuất đã góp ý, phản biện về nội dung dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia, các thuật ngữ cần lưu ý.
GS.TS. Lê Anh Tuấn chủ trì phiên thảo luận tại hội thảo.
Phát biểu bế mạc hội thảo, GS. TS. Lê Anh Tuấn cảm ơn ý kiến đóng góp từ các đại biểu và mong muốn nhận thêm nhiều góp ý hơn sau buổi hội thảo để 03 dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia do ban kỹ thuật TCVN/TC 22 xây dựng được hoàn thiện, đi vào thực tế nhanh hơn khi ban hành.