Tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng, công bố tiêu chuẩn
Các đại biểu Quốc hội đã có những phân tích, đánh giá về thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn.
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, sau gần 20 năm triển khai, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 cần được bổ sung, sửa đổi để theo kịp với yêu cầu của xã hội. Khi Luật được xây dựng, Việt Nam chưa gia nhập WTO. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên WTO và đã ký hàng chục thỏa thuận FTA với các nước, trong đó có nội dung tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực này cho phù hợp.
Một ví dụ cụ thể tại TP.HCM, do thiếu những quy định chuẩn về tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống đường sắt đô thị, ga ngầm… dẫn đến việc đưa hệ thống này đi vào hoạt động bị chậm trễ cũng như việc chưa có các quy định cụ thể về chứng chỉ carbon, rác thải, khí thải nhà kính… sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tận dụng lợi thế của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho sự phát triển của Thành phố.
Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với thế giới, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần phân cấp nhiều hơn cho các địa phương và các ngành để thích ứng với những diễn biến nhanh, bất định của tình hình thế giới và những yêu cầu mới phát sinh của tình hình thực tế tại các địa phương. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng cần quy định cụ thể về quá trình chuyển tiếp (giữa Luật 2006 và Luật sửa đổi), để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và đảm bảo quyền, lợi ích của người dân.
Ảnh minh họa
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh, thực tế triển khai Luật cho thấy, những quy định về công tác hậu kiểm đối với các đơn vị, doanh nghiệp công bố TCVN (tiêu chuẩn quốc gia) còn chưa rõ ràng. Có những khác biệt lớn giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ về sự quan tâm thực hiện các quy định của Luật vì các quy định của Luật còn thiếu, chưa cụ thể. Các doanh nghiệp lớn quan tâm thực hiện các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật vì sợ dính đến kiện tụng, mất uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu thì các doanh nghiệp nhỏ lại không có mối quan tâm đầy đủ trong việc thực hiện các quy định của Luật.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, quá trình xây dựng Dự thảo Luật (sửa đổi) nên tham khảo các quy trình xây dựng luật của các nước, nhất là các nước phát triển, có những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính chuẩn quốc tế để đảm bảo cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, đầu tư quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cũng như quá trình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trao đổi về mối quan tâm của các đại biểu về nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, vấn đề nằm ở chính các hiệp hội ngành nghề chưa quan tâm phát huy vai trò của mình trong vấn đề này khi trong Luật 2006 đã có những quy định khá cụ thể. Các quy định về trình tự, thủ tục phê duyệt kế hoạch và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương còn phức tạp, thiếu những hướng dẫn cụ thể và thực tế tại TP.HCM đến nay cũng chưa ban hành được bất cứ tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương nào.
Về vấn đề hậu kiểm đối với hoạt động công bố tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở của các doanh nghiệp, ngành nghề, bà Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, thực tế hiện nay, do nguồn lực còn hạn chế, hoạt động hậu kiểm mới được thực hiện chủ yếu trong nhóm “quy chuẩn”, còn nhóm “tiêu chuẩn” tại cơ sở chưa thực hiện được như yêu cầu. Để làm tốt được vấn đề này, rất cần những quy định chặt chẽ của pháp luật cũng như sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.