Công cụ cải tiến TWI giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng
Đối với doanh nghiệp việc áp dụng công cụ cải tiến TWI là một trong những phương pháp giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường hội nhập quốc tế.
Trong khi các doanh nghiệp trên thế giới coi đào tạo như một chiến lược đầu tư quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp lại chỉ coi đào tạo như một khoản chi phí cần phải cắt giảm. Theo thống kê, trong cơ cấu lao động của một doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ khung chỉ chiếm 5% đến 10%.
Thực tế các vị trí quản lý cấp trung thường được lấy từ nguồn nhân sự lâu năm, lành nghề. Tuy nhiên, đội ngũ này sẽ gặp phải nhiều khó khăn vì thiếu các kỹ năng cần thiết của người quản lý. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đã và đang đặt ra vấn đề ngoài việc cần phải có nguồn nhân sự có chất lượng tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo bổ sung cho các đơn vị, phòng ban trực thuộc, cần có được đội ngũ công nhân viên lành nghề là cực kỳ quan trọng để tăng năng suất, chất lượng, giảm lãng phí, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển thương hiệu để hội nhập.
Với thực trạng trên, rất cần áp dụng một mô hình đào tạo huấn luyện hiệu quả như mô hình nhóm huấn luyện TWI nhằm thay đổi phương thức và hiệu quả đào tạo cho doanh nghiệp, qua đó đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề cả về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp.
Mô hình nhóm huấn luyện (Training Within Industry - TWI) là một phương pháp đào tạo nhân viên trong doanh nghiệp được phát triển bởi chính phủ Hoa Kỳ. Đây là mô hình giúp tăng cường sự tương tác giữa các nhân viên trong cùng một nhóm, tạo ra môi trường làm việc tích cực và khuyến khích sự hợp tác. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, TWI chính là một công cụ hữu ích để cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao năng suất lao động cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Công cụ cải tiến TWI chính là một công cụ hữu ích để cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao năng suất lao động cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Ảnh minh họa
TWI là một phương pháp đào tạo nhân viên công nghiệp được phát triển vào thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai, nó được sử dụng để đào tạo nhân viên trong các ngành công nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất quân sự. Mô hình TWI được phát triển bởi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào năm 1940 với mục đích đào tạo nhân viên sản xuất để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh thế giới lần thứ hai. TWI đã được áp dụng tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ với các nền văn hóa khác nhau như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Vương Quốc Anh, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam.
Mô hình này bao gồm 3 chương trình đào tạo chính gồm: Chương trình đào tạo kỹ năng chỉ dẫn việc (Job instruction), chương trình đào tạo kỹ năng quan hệ công việc (Job relations) và Chương trình đào tạo kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc (Job methods). Trong đó, Job instruction hướng dẫn cách để trong thời gian ngắn nhất, nhân viên có thể hoàn thành công việc chính xác và an toàn. Job relations giúp xây dựng chuẩn mực tương tác với nhân viên, có kỹ năng xử lý các tình huống như giải quyết mâu thuẫn nội bộ, phòng ngừa nguy cơ trong xây dựng mối quan hệ và tuân thủ nguyên tắc xử lý công bằng, bình đẳng. Job methods hướng dẫn cho quản lý tư duy cải tiến liên tục để tăng năng suất và giảm chi phí vận hành. Cả 3 chương trình này tập trung đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ nhân viên, quản lý giám sát trong doanh nghiệp, vì TWI cho rằng năng suất, chất lượng của doanh nghiệp có được do đội ngũ nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất và cung cấp dịch vụ.
Hiểu một cách đơn giản, TWI tập trung đầu tư vào con người, giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực sẵn có nhằm đảm bảo sản lượng, nâng cao năng suất, ổn định chất lượng, rút ngắn thời gian giao hàng, tối ưu chi phí và tạo môi trường làm việc hài hòa.
Bà Lê Thị Hoàng Anh - Chuyên gia tư vấn Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhận diện cơ hội áp dụng Mô hình nhóm huấn luyện TWI khi doanh nghiệp gặp 4 vấn đề sau: vấn đề sản xuất, vấn đề chất lượng, vấn đề an toàn và vấn đề nhân sự.
Thứ nhất, đối với vấn đề sản xuất là khi doanh nghiệp xuất hiện tình trạng giao hàng chậm trễ do sai lỗi hay nhầm lẫn; giao nhầm sản phẩm cho khách hàng; nhân viên không đạt năng suất; sản phẩm bị trả lại; nhân viên vận hành không đáp ứng sự thay đổi kỹ thuật, công nghệ; thiết bị hư hỏng nhiều...
Thứ hai, đối với vấn đề an toàn là khi nhân viên không biết quy định về an toàn; nhân viên không biết mối nguy trong công việc; nhân viên trở nên bất cẩn; thương tích nhẹ không báo cáo; vật liệu không được sắp xếp ngăn nắp; máy móc thiết bị hư hỏng nhiều hơn...
Thứ ba, đối với vấn đề chất lượng là khi doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn của sản phẩm; không theo yêu cầu kỹ thuật; quá nhiều phế phẩm hay làm lại; thiết bị không được sử dụng đúng cách; sản phẩm bị trả về hoặc phàn nàn...
Cuối cùng, đối với vấn đề nhân sự là khi nhân viên không thích thú với công việc của mình; nhân viên được chỉ dẫn sai cách, cảm thấy chán nản học việc; nhân viên muốn thuyên chuyển vì nghĩ rằng có triển vọng tốt hơn ở nơi khác; nhân viên thôi việc; các thủ tục nội bộ rườm rà...
Phần lớn các giám sát viên cho rằng 80% vấn đề nêu trên có thể được giải quyết nếu có lực lượng nhân sự đào tạo tốt hơn, bởi vậy việc áp dụng TWI là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp xử lý các vấn đề phát sinh, nâng cao năng suất lao động và hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo bà Lê Thị Hoàng Anh - Chuyên gia tư vấn Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2), để áp dụng TWI doanh nghiệp cần chuẩn bị các yếu tố như: Hệ thống quản trị - doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống quản lý như ISO hoặc công cụ cải tiến là một lợi thế; cam kết của lãnh đạo – lãnh đạo tham gia với vai trò quan sát và hỗ trợ mọi nguồn lực cần thiết; nguồn lực về con người, tài chính, sắp xếp kế hoạch công việc, người hỗ trợ; con người gồm các giám sát viên là giám đốc, trưởng phòng, phó phòng, quản đốc, tổ trưởng, trưởng ca, trưởng nhóm; nơi thí điểm – 1 công ty, 1 nhà máy, 1 phân xưởng, 1 bộ phận.
“TWI không nhằm giải quyết vấn đề trước mắt mà chú trọng vào việc phát triển kỹ năng giải quyết các vấn đề khi chúng nảy sinh. Điều này có nghĩa là người gặp vấn đề (công nhân) và người có thể kèm dẫn, hỗ trợ (giám sát viên) cần thường xuyên làm việc bên nhau. Khi các giám sát viên sử dụng kỹ năng học được từ TWI để giải quyết các vấn đề sản xuất, họ tự nhiên đóng vai trò huấn luyện viên, từ bỏ vai trò chỉ đạo và kiểm soát của một người "sếp” truyền thống và tạo ra môi trường học hỏi”, bà Hoàng Anh nhấn mạnh.
Có thể nói, hiện nay việc sử dụng công cụ TWI được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe. Chúng không chỉ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất, giảm thời gian đào tạo nhân viên, tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn hướng tới đáp ứng toàn diện yêu cầu của khách hàng trong tương lai.
Nhiều doanh nghiệp đã được hướng dẫn áp dụng Mô hình nhóm huấn luyện TWI. Nhờ đó, có một số doanh nghiệp đạt kết quả đáng khích lệ như: Công ty CP Gỗ Minh Dương (Bình Dương); Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Đại Việt (TP. Hồ Chí Minh). 3.2.1. Dự án áp dụng TWI tại Công ty CP Gỗ Minh Dương.
Cụ thể, tại Công ty CP Gỗ Minh Dương - doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nội thất từ gỗ cao su, thông, sồi, tần bì, sản xuất sản phẩm khác từ gỗ, tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện.
Trước khi áp dụng TWI, Minh Dương đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008; công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S; thực hiện tiêu chẩn CSR (cam kết trách nhiệm xã hội) cho tất cả nhân viên và bảo đảm các thiết bị và điều kiện làm việc luôn đạt tiêu chuẩn. Việc áp dụng các hệ thống quản lý này tạo điều kiện để Công ty quản lý được chất lượng sản phẩm đầu ra.
Tuy nhiên, Công ty đang gặp các nhóm vấn đề như: nhân viên chưa biết cách làm dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, năng suất thấp, tỷ lệ phế phẩm và chi phí cao, nhân viên chưa có phương pháp để cải tiến công việc hiệu quả hơn. Để giải quyết những vấn đề này, công ty đã áp dụng TWI nhằm trang bị thêm các kỹ năng chỉ dẫn (cải tiến và tăng cường quan hệ công việc cho đội ngũ giám sát; nâng cao tay nghề hơn cho người lao động; giảm chi phí sản xuất và sản phẩm lỗi, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…).