Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là phương thức quản lý thông dụng nhất mà các nước trên thế giới đã thực hiện.
Ngày nay, chất lượng sản phẩm, hàng hoá không những là thước đo quan trọng khẳng định sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn là chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chất lượng sản phẩm, hàng hoá liên quan trực tiếp đến sự an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người, tài sản và môi trường.
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông, trao đổi hàng hóa, các nước cũng cần ngăn cản các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích quốc gia. Vì yêu cầu đó nên liên tục những năm gần đây, nhiều nước đã ban hành các đạo luật chuyên ngành để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, nhà nước ta đã ban hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá năm 1990 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1999) với gần một trăm văn bản hướng dẫn thi hành. Những năm gần đây, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá nước ta không ngừng hoàn thiện cho phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Để nâng cao hiệu lực điều chỉnh của pháp luật với các quan hệ xã hội về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tương xứng với vai trò quan trọng của nó trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhà nước đã ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 (có hiệu lực từ 01/1/2007) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (có hiệu lực từ 1/8/2008). Đây là các đạo luật chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hoá với phạm vi điều chỉnh tương đối đầy đủ, hệ thống phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là phương thức quản lý thông dụng nhất mà các nước trên thế giới đã thực hiện. Đây là công cụ kỹ thuật quan trọng để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá vì tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định các yêu cầu an toàn mà sản phẩm, hàng hoá phải đạt được để có thể được đưa vào lưu thông, tiêu dùng; đồng thời nó cũng là căn cứ để đánh giá sản phẩm, hàng hóa có đảm bảo yêu cầu an toàn hay không.
Việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đang trở thành phương thức thông dụng nhất. (Ảnh minh hoạ)
Theo quy định tại Điều 3 và Điều 6 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là các quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật mà sản phẩm, hàng hoá phải tuân theo để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu về an toàn. Nói cách khác, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là các yêu cầu an toàn có tính định tính và định lượng cụ thể cho sản phẩm, hàng hoá, là các hàng rào kỹ thuật ngăn cản sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm yêu cầu an toàn.
Căn cứ vào khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hoá mà yêu cầu an toàn có thể do nhà nước trực tiếp quy định hoặc do doanh nghiệp tự công bố áp dụng. Đối với sản phẩm, hàng hoá trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích mà vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho con người, tài sản thì nhà nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật, người sản xuất phải tuân theo quy chuẩn kỹ thuật này trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá có liên quan của mình.
Đối với sản phẩm, hàng hoá trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích không gây hại cho con người, tài sản thì người sản xuất tự công bố tiêu chuẩn và phải tuân theo tiêu chuẩn đã công bố trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá có liên quan của mình.
Để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, trong trường hợp này, pháp luật quy định nội dung của tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng không được trái với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật (yêu cầu an toàn) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Hay nói cách khác, đối với sản phẩm, hàng hoá không có khả năng gây mất an toàn thì người sản xuất tự công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, hàng hoá của mình nhưng các tiêu chuẩn này phải đáp ứng yêu cầu an toàn đã được nhà nước ban hành và người sản xuất phải tuân thủ các đặc tính kỹ thuật của tiêu chuẩn mà mình đã công bố. Tuy nhiên, để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp mức độ an toàn của nó, Chính phủ cần phải xác định các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn để có phương thức quản lý phù hợp sao cho vừa bảo đảm an toàn của sản phẩm, hàng hóa vừa đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, chất lượng sản phẩm, hàng hoá được đánh giá trên cơ sở các đặc tính kỹ thuật cụ thể của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đòi hỏi sản phẩm, hàng hoá phải đáp ứng nên chất lượng sản phẩm, hàng hoá thể hiện được giá trị ''định tính'' và ''định lượng'', chứ không ở mức độ giá trị tốt - xấu, cao- thấp, hấp dẫn.