Tạo tiền đề phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020
Điểm nổi bật của Chiến lược phát triển khoa học – công nghệ giai đoạn 2011-2020 là gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đổi mới toàn diện cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ Nghiêm Vũ Khải khẳng định như trên tại buổi giao lưu trực tuyến “Chiến
lược phát triển khoa học-công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011-2020” do Báo Đất
Việt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học - công nghệ thuộc Bộ tổ chức ngày 8/6.
Theo Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải, Chiến lược phát
triển khoa học - công nghệ giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt tập trung vào ba nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn
diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học - công nghệ;
tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu ứng
dụng, gắn nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh
tế - xã hội của cả nước, các ngành, địa phương.
Chiến lược đã được chuẩn bị trong thời gian tương đối dài,
có sự tham gia của nhiều tổ chức, lại được đúc rút kinh nghiệm từ giai đoạn
2000-2010, sẽ tạo tiền đề phát triển khoa học - công nghệ giai đoạn
2011-2020. Trong đó, điểm nổi bật là gắn Chiến lược khoa học - công nghệ với
chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đổi mới toàn diện cơ chế đầu
tư, cơ chế tài chính, đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư, lấy doanh nghiệp làm trung
tâm cho hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ.
Theo Phó Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam Dương
Ngọc Hải, định hướng chiến lược khoa học - công nghệ mới đã quan tâm, điều
chỉnh những khó khăn về cơ chế, thủ tục hành chính. Cách thức hình thành, quản
lý và tài trợ các đề tài vốn mang nhiều nét quản lý kiểu hành chính đã cải
thiện theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tại buổi giao lưu, chủ trương trọng dụng trí thức, trọng
dụng nhân tài cũng là vấn đề lớn được các nhà quản lý, nhà khoa học rất quan
tâm. Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cho rằng, đây là một vấn đề rất cấp
bách, cần được giải quyết kịp thời. Trước hết, phải tạo điều kiện để nhà khoa
học được sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm huyết cho đất nước. Trên cơ sở đó,
nhà khoa học được hưởng thụ sự đãi ngộ tương xứng với giá trị đóng góp của họ.
Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều công trình nghiên cứu khoa
học vẫn chưa được khai thác, sử dụng đúng hiệu quả, tình trạng lãng phí trong
sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu còn khá phổ biến; xuất hiện tình trạng
nơi đặt hàng và nơi nghiên cứu khoa học lệch nhau trong phối hợp.
GS. Dương Ngọc Hải cho rằng, nguyên nhân chính của tình
trạng trên là thông tin kết nối giữa nhà nghiên cứu và những đơn vị, doanh
nghiệp ứng dụng chưa kịp thời. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học
công nghệ đã tích cực truyền tải thông tin qua các hoạt động như chợ công nghệ,
thông tin công nghệ trên trang web, hợp tác với các địa phương...
Qua những hoạt động đó, các nhà khoa học nắm bắt được nhu
cầu thực tế về khoa học – công nghệ nhằm đặt định hướng nghiên cứu phù hợp, và
ngược lại, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nắm được các thông tin về kết quả
nghiên cứu mới để đưa vào ứng dụng, triển khai.