SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Làm cây giống từ nuôi cấy mô: Hai năm là hòa vốn

[12/06/2012 14:52]

Ngày càng có nhiều hộ nông dân tạo cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Phương pháp này đã mang lại nhiều lợi ích bất ngờ và nhà nông không còn lo lắng vấn đề về cây giống.

Anh Nguyễn Văn Hòa (Vũng Tàu), với kinh nghiệm 20 năm trồng lan cho biết, trước đây, anh phải nhập giống hoa từ Thái Lan với giá từ 8.000 đồng đến vài chục ngàn đồng/cây giống tùy loại, tùy thời điểm. Nhưng vài năm trở lại đây, anh đã đầu tư trang thiết bị nuôi cấy mô để không bị phụ thuộc nguồn giống.

CMS_H2_T8A.jpg

Nuôi cấy mô tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học TP. HCM

(Ảnh: San Thái)

Chủ động tạo cây giống

Sau khi lấy mô của một phần trên cây cần lấy giống như: thân, chồi non, bộ phận phát hoa (cành hoa còn non), lá (ở hoa kiểng)… đem khử trùng cho vào ống nghiệm chứa môi trường nuôi cấy. Môi trường này chứa chất kích thích sinh trưởng để tái sinh các bộ phận như chồi hoặc phôi… Sau đó, mới tạo cây hoàn chỉnh để nuôi cấy và bắt đầu nhân giống.

Cách chọn giống để nuôi cấy thành công thì nên chọn cây mẹ khỏe, tốt, và sạch bệnh. Mỗi loài cây có một điều kiện sống khác nhau, do đó khi nuôi cấy cần phải tìm được môi trường chuyên biệt như: nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng... của từng loại. Tùy vào từng loại cây mà thời gian nuôi cấy có thể là vài tháng hoặc thậm chí là vài năm.

Về mặt lý thuyết thì tất cả các cây trồng đều có thể nuôi cấy mô được, nhưng trên thực tế thì có nhiều loại cây rất khó nuôi cấy như cây thân gỗ, cây công nghiệp... Như trường hợp của anh Hòa, phải mất vài năm đầu sau nhiều lần thử nghiệm bị thất bại trong tạo giống hoa lan từ nuôi cấy mô. Đến khoảng 1, 2 năm gần đây anh mới thành công. Giờ đây, anh Hòa đã tạo được nguồn cây giống ổn định cho mình và còn bán cho một số hộ trồng lan khác.

Hiện, phương pháp nuôi cấy mô thường chỉ tiến hành cho một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao: như khoai tây, dâu tây, hoa lan... Giá bán cây giống từ phương pháp này rẻ hơn khoảng hơn 10 lần so với cây giống thường.

Hai năm là hòa vốn

Theo Th.S Hà Thị Loan, Trung tâm Công nghệ sinh học TP. HCM thì nuôi cấy mô chỉ đơn giản từ một cây có thể tạo ra hàng ngàn cây, đó là lợi ích thực tế của phương pháp này. Tuy nhiên, để tạo nguồn giống từ phương pháp này thì phải chịu nhiều thất bại. Khâu thất bại nhiều nhất là tạo nguồn mẫu ban đầu. Để chọn được nguồn mẫu ban đầu tốt thì hầu như chỉ dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Trong quá trình nuôi cấy nếu xảy ra hiện tượng đột biến gene thì phải tiến hành nuôi cấy từ đầu nên cũng mất khá nhiều thời gian. Ngoài ra, khi đưa cây từ ống nghiệm ra chăm sóc tại vườn ươm thì người dân cần phải chăm sóc rất kỹ để cây thích nghi được với điều kiện môi trường bên ngoài.

CMS_H3_T8A.jpg

Cán bộ Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM trong phòng chứa cây giống tạo ra từ nuôi cấy mô (Ảnh: San Thái)

Để có được một cơ sở nuôi cấy mô thì người dân phải đầu tư từ vài trăm triệu đồng trở lên tùy thuộc vào mô hình lớn, nhỏ của từng hộ dân. Nếu có thị trường tiêu thụ ổn định, chỉ khoảng hai năm sau người dân sẽ lấy lại được vốn đầu tư.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên thì dù được biết đến là một phương pháp đem lại những lợi ích kinh tế cao, song phương pháp này hoàn toàn không thể thay thế phương pháp sinh sản trong tự nhiên. Bởi đây là phương pháp sinh sản vô tính, nó chỉ cho ra một giống sản phẩm con đồng nhất, hoàn toàn giống với tế bào mẹ làm hạn chế sự đa dạng sinh học. Còn phương pháp sinh sản trong tự nhiên, phương pháp hữu tính mới là yếu tố quyết định sự đa dạng sinh học trong tự nhiên.

GS. TS Khoa học Trần Duy Quý, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam:“Trên cả nước có khoảng 40 tỉnh thành có những cơ sở tiến hành nuôi cấy mô do Bộ KH-CN cấp kinh phí thông qua các đề tài. Nhà nước khuyến khích phát triển nhân giống bằng hình thức này. Ngoài ra, người dân cũng tự đầu tư trang thiết bị nuôi cấy mô để nhân giống. Điển hình là Đà Lạt có khoảng 52 cơ sở nuôi cấy mô trong đó hầu hết cơ sở là của người dân. Họ không chỉ cung cấp giống cho thị trường trong nước mà cho cả xuất khẩu. Với quy mô nuôi cấy mô lớn thì giá thành cây giống rẻ, còn ở quy mô nhỏ thì giá thành cây giống vẫn còn khá cao. Bích Nhà

http://truyenthongkhoahoc.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ