Yêu cầu kỹ thuật và quy định kiểm tra đầu máy điêzen theo QCVN 16:2023/BGTVT
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2023/BGTVT yêu cầu kỹ thuật và quy định kiểm tra đối với đầu máy điêzen, phương tiện chuyên dùng tự hành khi sản xuất và lắp ráp hay nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đầu máy điêzen là một loại đầu máy xe lửa trong đó động cơ chính là động cơ điêzen. Một số loại đầu máy điêzen đã được phát triển, khác nhau chủ yếu ở phương thức truyền năng lượng cơ học đến các bánh dẫn động. Phổ biến nhất là đầu máy điêzen điện và điêzen thủy lực. Đầu máy được sử dụng trong các hoạt động vận tải đường sắt khác nhau như: kéo tàu khách, tàu hàng.
Do đó để đảm bảo an toàn, chất lượng thì khi sản xuất và lắp ráp hay nhập khẩu đầu máy điêzen phải đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2023/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Giao thông Vận tải ban hành.
Quy chuẩn này thay thế quy chuẩn QCVN 16:2011/BGTVT được ban hành theo Thông tư số 67/2011/TT-BGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Quy chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật và việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với đầu máy điêzen, phương tiện chuyên dùng tự hành sử dụng trên hệ thống đường sắt Việt Nam khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Quy chuẩn này áp dụng cho đầu máy điêzen có mã HS là 8602.10.00; 8602.90.00 và phương tiện chuyên dùng tự hành có mã HS là 8604.00.00 được quy định theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Đầu máy điêzen phải đảm bảo chất lượng, an toàn theo Quy chuẩn. Ảnh minh họa
Quy chuẩn yêu cầu đầu máy điêzen, phương tiện chuyên dùng tự hàn khi thiết kế, sản xuất lắp ráp, nhập khẩu phải xem xét đến ảnh hưởng của điều kiện khí hậu tại Việt Nam. Buồng lái của đầu máy không bị dột, thấm nước khi trời mưa.
Đường bao mặt cắt ngang lớn nhất của đầu máy phải phù hợp với quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt QCVN 08:2018/BGTVT; chiều rộng, chiều cao, chiều dài phương tiện phù hợp quy định tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất. Đường bao mặt cắt ngang lớn nhất của phương tiện chuyên dùng tự hành phải phù hợp với khổ giới hạn đầu máy, toa xe quy định tại phụ lục B của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt QCVN 08:2018/BGTVT hoặc tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất.
Đầu máy vận hành khi đóng hết các cánh cửa buồng lái và khoang máy phải thông qua được khổ giới hạn đầu máy, toa xe theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2018/BGTVT. Phương tiện phải có nhãn ghi số hiệu, kiểu loại, kích thước đường bao, khối lượng thiết kế, công suất, kiểu truyền động, nơi và năm sản xuất.
Khi bố trí các cụm máy, các thiết bị trên đầu máy phải bảo đảm dễ tháo lắp và thuận tiện cho việc bảo dưỡng, sửa chữa. Các khoang máy, hành lang bên trong của đầu máy phải có đèn chiếu sáng, ổ cắm điện có chụp che. Đầu máy phải có đầy đủ gối đỡ bệ ky, móc cẩu được lắp đặt ở vị trí thuận lợi cho việc nâng, cẩu phương tiện. Phương tiện chuyên dùng tự hành có cấu tạo, tính năng kỹ thuật theo đúng tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất và phải hoạt động bình thường.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định đầu máy phải có hệ thống hãm gió ép và thiết bị hãm tay (hãm đỗ). Đối với đầu máy kéo tàu khách và tàu hàng có trang bị hãm động năng thì thiết bị hãm phải phù hợp với thiết kế và hoạt động bình thường.
Bánh xe phải bảo đảm yêu cầu biên dạng mặt lăn bánh xe phải đúng với thiết kế hoặc phù hợp với quy định; Sai lệch về đường kính vòng lăn bánh xe hai bên trên cùng một đôi bánh không được quá 1 mm; trên một giá chuyển hướng không quá 1,5 mm; trên một đầu máy không được quá 2 mm. Khoảng cách phía trong giữa hai đai bánh hoặc vành bánh của đôi bánh xe phải đúng quy định sau: (924 ± 3) mm đối với khổ đường 1000 mm; (1353 ± 3) mm đối với khổ đường 1435 mm. Chiều dày lợi bánh xe quy định như sau: 30 mm đối với khổ đường 1000 mm; 32 mm đối với khổ đường 1435 mm.
Móc nối, đỡ đấm phải bảo đảm yêu cầu là loại móc nối tự động, kích thước, kết cấu lắp đặt phải đúng theo thiết kế. Chiều cao từ trung tâm móc nối đến mặt ray là từ 810 mm đến 825 mm đối với khổ đường 1000 mm và từ 875 mm đến 890 mm đối với khổ đường 1435 mm.
Trọng lượng, tải trọng trục của đầu máy ở trạng thái chính bị tính toán phải bảo đảm yêu cầu sai lệch giữa trọng lượng thực tế của đầu máy với trọng lượng thiết kế không quá ±3%; Tải trọng trục tối đa của đầu máy không được vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường sắt; Sai lệch cho phép tải trọng trục thực tế của mỗi trục so với tải trọng trục bình quân thực tế trên một đầu máy không quá ± 3%; Sai lệch cho phép tải trọng của mỗi bánh xe so với tải trọng bánh xe bình quân trên một trục không quá ± 4%.
Bán kính đường cong nhỏ nhất đầu máy đi qua được là 97 m trên đường chính tuyến và 70 m trên đường nhánh đối với khổ đường 1000 mm; 145 m trên đường chính tuyến và 100 m trên đường nhánh đối với khổ đường 1435 mm. Bán kính đường cong nhỏ nhất đầu máy thực hiện được tác nghiệp cắt, nối móc trên đường cong là 150 m đối với khổ đường 1000 mm; 250 m đối với khổ đường 1435 mm.
Bố trí các cụm máy, các thiết bị trên đầu máy phải bảo đảm dễ tháo lắp và thuận tiện cho việc bảo dưỡng, sửa chữa. Các thiết bị, chi tiết bộ phận cùng kiểu loại phải có tính lắp lẫn.
Về màu sơn của đầu máy phải theo đúng quy định. Màu sơn các đường ống của hệ thống hãm, hệ thống nhiên liệu, hệ thống dầu bôi trơn, hệ thống nước làm mát theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Đầu máy phải có đầy đủ gối đỡ bệ ky, móc cẩu được lắp đặt ở vị trí thuận lợi và tính toán độ bền chịu lực cần thiết. Các khoang máy, hành lang bên trong và gầm giá xe của đầu máy phải có đèn chiếu sáng và các ổ cắm điện có chụp che.
Đầu máy phải có thiết bị hãm bảo đảm tính năng hãm khi ghép nguội với đoàn tàu; có trang bị hệ thống ghép đôi đầu máy theo yêu cầu sử dụng. Các mép cạnh sắc, góc nhọn của các chi tiết trên đầu máy mà thân người và tay dễ va chạm phải được vê tròn, mài nhẵn. Đầu máy phải có nhãn ghi số hiệu và kiểu loại, kích thước, trọng lượng, công suất, kiểu truyền động, nơi và năm sản xuất.
Về quản lý, Quy chuẩn này quy định phương tiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu chưa qua sử dụng phải thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật của Quy chuẩn này. Cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra theo quy định tại Điều 3 của Quy chuẩn này. Nhà sản xuất, tổ chức nhập khẩu phương tiện phải chịu trách nhiệm về chất lượng phương tiện do mình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu.
Việc kiểm tra, chứng nhận phương tiện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT, ngày 14/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT.
Nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lắp ráp của phương tiện phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 2 của Quy chuẩn này. Tổ chức nhập khẩu hoặc tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện giao thông đường sắt có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất cung cấp tài liệu kỹ thuật, báo cáo kiểm tra, thử nghiệm, bản khai thông tin phương tiện theo quy định tại Phụ lục H và chuẩn bị phương tiện với đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành kiểm tra theo Điều 3 của Quy chuẩn này.