Giảm thiểu rủi ro, tăng niềm tin với khách hàng thông qua áp dụng ISO 27001
Việc áp dụng ISO 27001:2013 giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tăng niềm tin của khách hàng; bảo vệ hoạt động kinh doanh, giúp tổ chức tuân thủ các quy định và nâng cao lợi thế cạnh tranh, cũng như giảm thiểu khả năng mắc sai sót.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những hệ thống thông minh được kết nối tự động hóa cao. Đi cùng với đó là những rủi ro doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình vận hành mạng lưới hệ thống kỹ thuật số, đó là vấn đề an ninh thông tin. Các hoạt động được liên kết để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số tăng lên đồng nghĩa các cuộc tấn công vào mạng lưới thông tin của doanh nghiệp có thể tác động sâu hơn bao giờ hết.
ISO 27001 là hệ thống quản lý an toàn thông tin quy định yêu cầu đối với hoạt động thiết lập, triển khai, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý an toàn thông tin của một tổ chức. ISO 27001:2013 là phiên bản mới nhất của ISO 27001, cung cấp một bộ các yêu cầu được tiêu chuẩn hóa nhằm bảo vệ tính bảo mật, toàn vẹn và sẵn sàng của các thông tin dạng viết, nói và máy tính.
Nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng đánh giá, việc áp dụng ISO 27001:2013 sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tăng niềm tin của khách hàng; bảo vệ hoạt động kinh doanh, giúp tổ chức tuân thủ quy định và nâng cao lợi thế cạnh tranh, cũng như giảm thiểu khả năng mắc các sai sót.
ISO/IEC 27001 có thể được áp dụng với mọi loại hình tổ chức, bao gồm doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, thương mại, cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ… ISO/IEC 27001 giúp tổ chức sớm nhận thức được rủi ro và chủ động xác định, giải quyết các điểm yếu. Việc triển khai và áp dụng ISO/IEC 27001 thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về bảo mật thông tin: kiểm tra con người, chính sách và công nghệ.
Việc sử dụng các quy trình chuẩn của ISO/IEC 27001 sẽ đem lại lợi ích như sau: Bảo mật thông tin dưới mọi hình thức, bao gồm dữ liệu trên giấy, trên nền tảng đám mây và kỹ thuật số; Tăng khả năng phục hồi trước các cuộc tấn công mạng; Cung cấp khuôn khổ được quản lý tập trung để bảo mật tất cả thông tin ở một nơi; Đảm bảo tổ chức được bảo vệ tối đa, chống lại rủi ro về công nghệ và các mối đe dọa khác; Ứng phó với mối đe dọa an ninh mạng; Giảm chi phí và thời gian khi phát sinh sự cố; Bảo vệ tính toàn vẹn, bảo mật và sẵn có của dữ liệu; Tăng khả năng tin tưởng của khách hàng với tổ chức, doanh nghiệp; Liên tục cải tiến và cập nhật để phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
Đến nay, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 đã phổ biến ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Tại Úc, Ấn Độ, Ý, Luxembourg, Mexico, Na Uy, Ba Lan…, việc áp dụng bảo mật thông tin trong khu vực công và tư nhân là tự nguyện. Trái lại, một số quốc gia khác quy định việc sử dụng tiêu chuẩn này là bắt buộc.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn đã có chứng nhận ISO/IEC 27001 như CSC Việt Nam, FPT-IS, FPT Soft, ISB Corporation Vietnam…, đây chủ yếu là các tổ chức có vốn đầu tư hoặc đối tác là khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng tổ chức áp dụng tiêu chuẩn này còn ít. Nguyên nhân chủ yếu là do: Chi phí áp dụng ISO/IEC 27001 tốn kém hơn nhiều so với việc áp dụng ISO/IEC 9001; Nhận thức về bảo mật thông tin và an ninh mạng còn chưa cao; Chi phí để được cấp chứng chỉ ISO/IEC 27001 cao.