SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ngành dệt may cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xanh đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường

[15/07/2024 16:32]

Xanh hóa là xu hướng bắt buộc, do đó ngành dệt may cần ứng dụng các công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng, xử lý chất thải để sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn của thị trường.

Ngành dệt may cần ứng dụng công nghệ xanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh minh họa.

Theo bà Phan Thị Quỳnh Chi – Chuyên gia dự án cao cấp của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Việt Nam hiện đứng trong tốp 3 của chuỗi cung ứng dệt may, da giày toàn cầu nên lượng phế cắt từ hai ngành là rất lớn, lên đến khoảng 300.000 tấn/năm. Nhưng tỷ lệ tái chế ở Việt Nam còn khá khiêm tốn so với Ấn Độ, Trung Quốc. Những hoạt động như nghiên cứu biến phế phụ phẩm thành vật liệu hay các hoạt động tái chế đều là những hành động thiết thực.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhấn mạnh, xanh hóa là xu hướng bắt buộc, là con đường phải đi đối với các ngành sản xuất trong đó có dệt may. Năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành dệt may còn đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD của Liên minh châu Âu EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...

Đặc biệt vấn đề xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.

Đơn cử, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Tức là các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng.

Vì vậy, để phát triển bền vững, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), để xanh hóa ngành dệt may các doanh nghiệp cần áp dụng những phương pháp sản xuất xanh, lựa chọn nguyên liệu xanh để tạo ra sản phẩm dệt may bền vững hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Làm được điều này không chỉ giúp cải thiện hình ảnh thương hiệu mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ thể chế hóa các tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may với lộ trình và mục tiêu cụ thể, gắn với vai trò của các bên liên quan, có thể đo lường được; đồng thời, có các cơ chế tài chính phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế xanh trên thế giới như: cơ chế hợp tác công tư, cơ chế tài chính xanh,... để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt lộ trình chuyển đổi.

Về công nghệ, trước hết, cần tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và nước, quản lý tài nguyên, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các đối tác để học hỏi, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành dệt may.

Về phía doanh nghiệp, cần đẩy mạnh xây dựng các chương trình tự đào tạo và hợp tác với các cơ sở đào tạo để đào tạo nguồn cho sản xuất; xây dựng mạng lưới liên ngành/liên doanh nghiệp cùng chia sẻ kiến thức, kỹ năng, thực hành xanh hóa sản xuất; đẩy mạnh chiến dịch truyền thông để làm nổi bật các khía cạnh tuần hoàn của sản phẩm, quảng bá thương hiệu dệt may Việt Nam phát triển bền vững.

https://vietq.vn (tnxmai)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài