Áp dụng HTQLCL ISO 9001 - xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 174 cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (đạt 100%) thực hiện việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015.
Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 là phiên bản mới nhất được nâng cấp từ các phiên bản trước đó với những thay đổi đột phá, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ; phục vụ tốt yêu cầu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đảm bảo hơn nữa nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ thời gian, rõ trách nhiệm trong quy trình giải quyết công việc.
TCVN ISO 9001:2015 gồm 10 điều khoản, tương ứng với chu trình PDCA (lập kế hoạch - thực hiện - kiểm tra - cải tiến), được đánh giá là sự nâng cấp và thay thế hoàn hảo cho HTQLCL trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang ngày càng phát triển. Phiên bản mới ISO 9001:2015 được tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) kỳ vọng có thể duy trì đến 25 năm.
Hằng năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Khoa học và Công nghệ (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ISO tỉnh) tổ chức hội nghị tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn về hoạt động áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2015 đối với lãnh đạo, thư ký ISO các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện kiểm tra định kỳ (tiến độ, hằng năm) đánh giá kết quả việc duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại 174 cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã; tổ chức đánh giá công bố kết quả kiểm tra đánh giá, xếp hạng áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, xã năm 2023 tỉnh Vĩnh Phúc.
Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 174 cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (đạt 100%) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2015. Trong đó, gồm 20 sở, ban, ngành và 9 đơn vị trực thuộc sở; 9 UBND huyện, thành phố và 136 UBND xã, phường, thị trấn.
Có thể khẳng định, việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 là một trong những nhiệm vụ góp phần xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Qua đó giúp cán bộ, công chức triển khai công việc và quản lý hồ sơ công việc một cách minh bạch, khoa học, nhanh chóng, đúng thời gian; từng bước cải tiến phương thức làm việc, giảm tác động tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, công dân.