SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sức ép “xanh hóa” buộc ngành thép phải thay đổi

[23/07/2024 16:01]

Thách thức phải hoàn thành việc chuyển đổi xanh vào 2035 mà COP26 đặt ra đang đặt lên vai ngành thép khi có quá nhiều sức ép về thời gian và đầu tư công nghệ...

Tìm tiếng nói chung

Nền công nghiệp thép toàn cầu đều đã hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, chính vì vậy, thời gian qua, ngành công nghiệp thép Việt Nam cũng đã từng bước bắt nhịp với sự đổi mới và có nhiều đóng góp lớn lao vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bước đầu có kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay, công nghiệp thép chiếm khoảng 8% tổng lượng phát thải CO2 toàn thế giới. Vì vậy, trách nhiệm của ngành thép là phải sản xuất không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, qua đó giảm lượng khí thải carbon trong sản phẩm.

Theo báo cáo thường niên của tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM), ngành Công nghiệp sắt thép toàn cầu trong năm 2023 đã đạt được những bước tiến lớn hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.

Một trong những lý do cho sự thành công này là nhiều hoạt động sản xuất thép bằng lò hồ quang điện (EAF) có lượng phát thải thấp hơn được đưa vào hoạt động và đi vào quy trình phát triển hơn bao giờ hết.

Theo đó, sản xuất thép bằng công nghệ EAF chiếm 49% tổng công suất được công bố hoặc đang được xây dựng, tăng so với mức 43% vào năm 2023 và 33% vào năm 2022.

Báo cáo của tổ chức GEM cho thấy có 2 xu hướng hỗ trợ cho sự thay đổi này. Thứ nhất, gần như toàn bộ công suất sản xuất thép mới được công bố đều đi theo lộ trình sản xuất EAF (93%). Điều này cho thấy hoạt động sản xuất thép lò hồ quang điện sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Thứ hai, công suất theo kế hoạch và việc cho ngừng hoạt động của các nhà máy cho thấy sự chuyển đổi khỏi sản xuất thép sử dụng than đá. Cụ thể, các dự án thép toàn cầu sẽ tính thêm 171 triệu tấn mỗi năm (mtpa) công suất lò oxy cơ bản (BOF), 310 mtpa công suất EAF và 80 mtpa công suất với công nghệ chưa được xác định.

Nếu những kế hoạch phát triển và cho ngừng hoạt động này có hiệu lực, công suất thép đang hoạt động trên toàn cầu sẽ nằm ngay dưới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho năm 2030.

Hiện nay, IEA đã kêu gọi đạt mốc 37% EAF vào năm 2030. Đây là lần đầu tiên kể từ khi ra mắt công cụ theo dõi nhà máy thép toàn cầu, cột mốc này hoàn toàn có thể đạt được.

Để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, các bộ, ngành và cơ quan nhà nước đã và đang xây dựng, triển khai kế hoạch hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu và lộ trình trung hòa carbon của ngành công thương đến năm 2030-tầm nhìn 2050.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép Việt Nam cũng đã nỗ lực chuyển đổi số, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Một số doanh nghiệp thép đã tận dụng nhiệt dư phát điện đáp ứng hầu hết nhu cầu điện của nhà máy nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và bước đầu có kết quả đáng ghi nhận.

Từ năm 2015 đến nay, ngành thép đã có bước phát triển đột phá và vươn mình mạnh mẽ để trở thành nhà sản xuất thép thô thứ 13 thế giới, đứng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm. Tuy nhiên, ngành thép vẫn phải đang chịu trách nhiệm cho 7-9% tổng lượng phát thải quốc gia và 45% các quá trình công nghiệp (đã được xác định trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu).

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bắt buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng “xanh hóa” để có thể nâng cao sức cạnh tranh

Ảnh: Thép Hoà Phát

Chính vì vậy, ông Đa cho rằng, công nghiệp thép Việt Nam cần hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh để đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.

Đây thực sự là thách thức nhất lớn của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới, nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn để ngành thép đổi mới, hiện đại hóa để trở thành một ngành có trình độ công nghệ hiện đại tiến tiến và phát triển bền vững.

Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu

Mới đây, Bộ Công Thương đã có Dự thảo về chiến lược phát triển các ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch, cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế đất nước, nhu cầu thép của Việt Nam đều tăng ở mức 2 con số mỗi năm. Đáp ứng mức tăng ấy, sản lượng sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh theo từng năm. Do vậy, các định hướng phát triển ngành thép Việt Nam đến nay tuy chưa đạt được đầy đủ một số mục tiêu đề ra nhưng cũng có bước phát triển mạnh mẽ, một số kết quả đạt được trong ngành như sản lượng thép tăng nhanh.

Từ phân tích những hạn chế ở trên, Bộ Công Thương cho rằng, nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ thì việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đóng vai trò định hướng giúp cho các cơ quan nhà nước và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để điều hành sự phát triển của ngành.

Chiến lược sẽ giúp cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, cũng như chiến lược phát triển sản phẩm, đầu tư phát triển doanh nghiệp hài hòa với sự phát triển của ngành.

Liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành thép, ông Đỗ Nam Bình- Trưởng phòng Khoáng sản luyện kim, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, sản xuất thép sắt, thép là một trong những ngành chịu tác động lớn từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Chính sách này sẽ thí điểm áp dụng chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023. Cơ chế CBAM được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Hiện, EU là một trong những thị trường xuất khẩu top đầu của ngành thép Việt Nam. Theo nhận định, nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không ứng phó tốt với CBAM, xuất khẩu sang EU sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ hơn là mất thêm nhiều thị trường khác khi những quốc gia này đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM.

Chính vì thế, ông Bình khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bắt buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng “xanh hóa” để có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, thực tế, giữa thép xanh và thép xám đang có sự chênh lệch lớn về giá thành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp tiêu thụ. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp mong muốn trong công cuộc chuyển đổi xanh này, Chính phủ có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ trong quá trình giảm phát thải để hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững; giúp doanh nghiệp sản xuất thép cung ứng sản phẩm thép xanh giá thành phù hợp mặt bằng thị trường. Vẫn biết bất cứ sự chuyển đổi nào ban đầu cũng sẽ có khó khăn, nhưng sự chung tay, chia sẻ của Chính phủ sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình giảm phát thải của Việt Nam cũng như toàn cầu, vì mục tiêu chung mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Do vậy, để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng "0" vào năm 2050, ngành thép cần xây dựng nhiệm vụ, lộ trình cụ thể trong thực hiện cắt giảm khí thải ngành thép. Để làm được thép xanh chắc chắn còn cả một chặng đường dài phía trước, đòi hỏi nguồn lực lớn cả về con người cũng như công nghệ, tài chính. “Chuyển đổi xanh là xu hướng không thể thay đổi nên các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị để sẵn sàng trong xu thế hội nhập”- ông Bình nói.

Đóng góp thêm ý kiến, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng để phát triển ngành thép Việt Nam.

Trong chuyển đổi xanh, dù doanh nghiệp tự nhận thức được chuyển đổi xanh là cần thiết nhưng nếu để doanh nghiệp tự làm sẽ là thách thức lớn. Ngành thép không thể chủ động làm được tất cả những gì liên quan đến chuyển đổi xanh, chẳng hạn như chuyển đổi năng lượng, thay vào đó cần sự chủ động, hỗ trợ và vào cuộc của các bên liên quan.

“Ngoài ra, cần huy động nguồn lực, sự tham gia của tất cả doanh nghiệp khu vực tư nhân, sự phối hợp giữa Nhà nước với tư nhân và biện pháp hỗ trợ phải theo cơ chế thị trường”, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ.

Dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 dự kiến tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện; tháng 9/2024 báo cáo Bộ Công Thương để trình Chính phủ.

moitruongvadothi.vn (ntptuong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài