SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu xây không nung

[25/07/2024 14:24]

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức sử dụng VLXKN để thực hiện được các mục tiêu của Quyết định số 2171/QĐ-TTg.

Tính đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với vật liệu xây không nung (VLXKN) đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, việc khắc phục hiện tượng nứt trên khối xây sử dụng VLXKN luôn là vấn đề trăn trở đối với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công.

Thực tế cho thấy, đối với công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, bắt buộc phải sử dụng VLXKN, thì chủ đầu tư mới sử dụng. Còn đối với công trình không bắt buộc phải sử dụng VLXKN, chủ đầu tư vẫn còn tâm lý né tránh sử dụng, thậm chí sẵn sàng chịu phạt để không phải sử dụng VLXKN.

TS Phan Hữu Duy Quốc, Phó Tổng thư ký VCA cho biết, việc hạn chế gạch đất sét nung sẽ mang đến nhiều lợi ích như giảm phát thải khí CO2, giảm mất đất nông nghiệp và tận dụng phế thải công nghiệp khi sản xuất VLXKN. VLXKN có 3 đặc tính cơ bản, đó là loại vật liệu dùng trong xây dựng mà việc sản xuất/tạo ra chúng không sử dụng nhiệt để nung. Trong đa số trường hợp, xi măng được sử dụng như chất kết dính. Cuối cùng, VLXKN thường là vật liệu thay thế vai trò của gạch đất sét nung trong công trình.

Hiện nay, VLXKN có 4 chủng loại cơ bản. Thứ nhất là gạch bê tông. Thứ hai là vật liệu nhẹ: Gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt. Thứ ba là tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ. Thứ tư là các loại gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp.

Kể từ năm 2010 đến nay, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy việc phát triển VLXKN, nổi bật là Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến năm 2030.

Ảnh minh họa

Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, sử dụng 100% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây.

Nhưng thời gian qua, vì nhiều lý do mà sản lượng sản xuất và tiêu thụ các loại sản phẩm vật liệu xây dựng liên tục suy giảm. Lĩnh vực VLXKN gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và tiến độ thực hiện Chương trình của Chính phủ.

Sản lượng sản xuất và VLXKN năm 2023 khoảng 4,9 tỷ viên quy tiêu chuẩn, sản lượng tiêu thụ khoảng 4,8 tỷ viên quy tiêu chuẩn, các sản phẩm VLXKN chiếm khoảng 30% so với tổng sản lượng vật liệu xây.

Không những thế, một số công trình sử dụng VLXKN có xảy ra hiện tượng nứt, thấm làm giảm niềm tin vào VLXKN. Vì vậy, người thực hành cần hiểu đúng bản chất vấn đề và thực hành đúng như hướng dẫn của chuyên gia. Các địa phương cần được hỗ trợ hơn về chuyên môn, người thực hành cần được tập huấn để hiểu đúng và làm đúng. Ngoài ra, định mức cũng cần được rà soát, điều chỉnh để đáp ứng chi phí thực tế khi áp dựng VLXKN.

Ông Lê Văn Kế, đại diện Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, Chính phủ rất quan tâm đến VLXKN khi ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng VLXKN trong tổng số vật liệu xây tại Việt Nam trước năm 2010 là rất thấp. Đến năm 2019, tỷ lệ này tăng lên khoảng 25% - 30%. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong thời gian qua, việc sản xuất và tiêu thụ VLXKN có chiều hướng đi xuống.

Trong thời gian tới, từ những kiến nghị của địa phương và doanh nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức sử dụng VLXKN để thực hiện được các mục tiêu của Quyết định số 2171/QĐ-TTg.

Ông Lê Văn Kế cũng cho rằng, doanh nghiệp nên có định hướng lâu dài là phát triển những vật liệu tấm lớn và nhẹ như bê tông khí chưng áp, tấm tường Acotec…

https://vietq.vn (tnxmai)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ