SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xác định độ bền nước của màng sơn theo TCVN 8653-2:2024 đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ cao

[29/07/2024 15:37]

Độ bền của màng sơn nước đóng vai trò quan trọng đối với một công trình xây dựng. Do đó, việc xác định độ bền nước của màng sơn theo hướng dẫn của TCVN 8653-2:2024 sẽ giúp đảm bảo độ chính xác cao, chất lượng ổn định.

Độ bền của màng sơn, vật liệu phủ là yếu tố quan trọng thể hiện khả năng chống trầy xước, bám dính và biến dạng của lớp phủ. Độ bền cao giúp lớp sơn đẹp hơn và bảo vệ bề mặt vật liệu tốt hơn. Do đó việc đo độ bền nước của màng sơn chính xác theo tiêu chuẩn sẽ giúp nhà sản xuất đưa ra một sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và thẩm mỹ cao.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8653-2:2024 về sơn tường dạng nhũ tương, phương pháp thử- xác định độ bền nước của màng sơn do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các hướng dẫn cơ bản giúp các nhà sản xuất xác định độ bền nước của màng sơn tường dạng nhũ tương.

Trước hết cần lấy mẫu đại diện của sản phẩm thử theo TCVN 2090: 2015 (ISO 15528). Tiêu chuẩn TCVN 2090 quy định quy trình lấy mẫu sơn, vecni và nguyên liệu sử dụng trong sản xuất sơn và vecni, bao gồm các chất lỏng và vật liệu, không qua biến đổi hóa học, có khả năng hóa lỏng khi gia nhiệt, vật liệu bột, hạt và bột nhão.

Các mẫu có thể được lấy từ các vật chứa, ví dụ như can, thùng, xi-tec, xi-tec tàu hỏa hoặc xi-tec tàu thủy, cũng như từ thùng phuy, bao chứa, túi lớn, silô hoặc silo tàu hỏa, hoặc từ băng chuyền tải. Tiêu chuẩn này không đề cập đến việc chuẩn bị mẫu để thử nghiệm hoặc rút gọn mẫu. Việc chuẩn bị mẫu thử nghiệm và rút gọn mẫu được đề cập trong TCVN 5669 (ISO 1513).

Xác định độ bền nước của màng sơn theo tiêu chuẩn đảm bảo chính xác, chất lượng. Ảnh minh họa.

Việc lấy mẫu, ghi nhận và lưu giữ mẫu, chuẩn bị các tài liệu liên quan phải do người có kỹ năng thực hiện. Sau khi lựa chọn dụng cụ lấy mẫu sạch, có loại và kích cỡ phù hợp, việc lấy mẫu phải được thực hiện theo các quy định liên quan đến môi trường, sức khỏe và an toàn. Phương pháp lấy mẫu được sử dụng phải tính đến cả các đặc tính lý học và hóa học của nguyên liệu được lấy mẫu, ví dụ như độ nhạy với ánh sáng, sự oxy hóa, xu hướng xảy ra các phản ứng bề mặt của mẫu (tạo thành lớp váng), các đặc tính hút ẩm, sinh lý và độc tính.

Việc bảo quản mẫu, bao gồm cả mẫu lưu, phải phù hợp với các quy định liên quan đến môi trường, sức khỏe và an toàn, các yêu cầu quản lý chất lượng liên quan đến ghi nhãn, xác định nguồn gốc và thời gian lưu giữ. Việc lựa chọn dụng cụ lấy mẫu phụ thuộc vào loại vật liệu được lấy mẫu, loại vật chứa, mức chứa của vật chứa và cỡ mẫu cần thiết. Những yêu cầu chung đối với các dụng cụ lấy mẫu  phải dễ thao tác; dễ làm sạch (bề mặt nhẵn); bền hóa học đối với vật liệu được lấy mẫu.

Ống lấy mẫu cho chất lỏng phải có chiều dài vừa đủ để chạm tới đáy của vật chứa. Khi lấy mẫu, ống được đóng kín, sau đó mở ra để lấy chất lỏng và cuối cùng đóng lại và kéo lên. Trước khi tiến hành lấy mẫu, phải kiểm tra các bất thường đối với vật liệu, vật chứa và điểm lấy mẫu. Nếu thấy bất kỳ điều bất thường nào, phải ghi chép lại trong báo cáo thử nghiệm.

Yêu cầu về việc chuẩn bị và kiểm tra mẫu thử nên tuân theo quy định trong TCVN 5669 (ISO 1513). Điều kiện về vị trí thử nghiệm và nguồn sáng để quan sát theo quy định tại TCVN 8653-1.

Theo hướng dẫn của TCVN 8653-2:2024 thì thiết bị, dụng cụ dùng để lấy mẫu nên dùng chậu nhựa, có dung tích từ (5 ÷ 10) L, nước khử ion, phù hợp loại 3 trong TCVN 4851 (ISO 3696). Parafin có điểm nóng chảy từ 55 °C đến 65 °C, khăn lau, khô và có khả năng thấm nước.

Sau khi đã lựa chọn được thiết bị và dụng cụ phù hợp, bước tiếp theo sẽ chuẩn bị 3 tấm mẫu thử theo Điều 5 của TCVN 8653-1. Tấm mẫu thử được sơn 2 lần cách nhau 6h trên cả hai mặt và để khô trong 5 ngày, sau đó lấy 2 tấm mẫu thử đem phủ kín bốn mặt viền xung quanh bằng parafin nóng chảy. Tấm mẫu thử còn lại được sử dụng làm mẫu đối chứng.

Tiến hành thử mẫu bằng cách đem hai tấm mẫu thử trên ngâm ngập trong nước khử ion ở nhiệt độ (27 ± 5) °C theo chiều thẳng đứng, mặt nước luôn luôn cách cạnh trên của tấm mẫu thử ít nhất 3 cm. Sau khi ngâm đủ thời gian quy định, lấy các tấm mẫu thử ra khỏi nước và dùng khăn lau mềm thấm khô các bề mặt.

Sau khi thử xong cần đánh giá kết quả bằng cách quan sát bằng mắt thường các bề mặt tẩm mẫu ngay sau khi chúng được thấm khô. Nếu bề mặt các tấm mẫu thử không có sự bong tróc, phồng rộp, rạn nứt chân chim và nếu cả hai tấm mẫu thử này sau khi để lưu 2h ở nhiệt độ phòng, không có sự thay đổi đáng kể về màu sắc và độ bóng so với mẫu đối chứng thì kết luận màng sơn “đạt” yêu cầu sau khoảng thời gian ngâm quy định.

https://vietq.vn (tnxmai)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài