Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản và sản xuất giống cá sát sọc (Pangasius macronema)
Chiều ngày 23/9/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ có buổi họp hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài KH&CN “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản và sản xuất giống cá sát sọc (Pangasius macronema)”. TS. Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ làm Chủ tịch hội đồng. TS. Nguyễn Văn Triều làm chủ nhiệm đề tài. Trường Đại học Cần Thơ là tổ chức chủ trì thực hiện.
Toàn cảnh hội đồng
Đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản và sản xuất giống cá sát sọc (Pangasius macronema)” được thực hiện tại Trại thực nghiệm và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng thủy sản Công nghệ cao thuộc Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu cung cấp dữ liệu khoa học về đặc điểm sinh học sinh sản, kích thích sinh sản và ương giống thành công cá sát sọc nhằm góp phần đa dạng đối tượng thủy sản nuôi và tạo cơ sở cho định hướng khai thác, bảo tồn loài này trong tự nhiên.
Thành viên hội đồng
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cá sát sọc là loài cá ăn tạp thiên về động vật (động vật kích thước nhỏ). Mùa vụ sinh sản ngoài tự nhiên của cá sát sọc từ tháng 3 đến tháng 8, trong đó cá sinh sản tập trung từ tháng 5 đến tháng 8. Cá sát sọc thành thục tốt khi được nuôi vỗ bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng 40% đạm. Các bắt đầu thành thục từ tháng 4 và có thể kích thích sinh sản nhân tạo từ tháng 5 đến tháng 9. Kích thích sinh sản bằng HCG với liều lượng 6000 UI/kg cá cái cho hiệu quả rụng trứng tốt nhất trong khi đó kích thích tố Ovaprim liều lượng từ 0,4 -0,6 ml/kg cá cái chưa có tác dụng gây rụng trứng ở cá sát sọc. Cá có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn khi được ương ở mật độ 2 con/L. Ngoài ra, chưa có sự khác biệt rõ rệt về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của các loại thức ăn khác nhau trong quá trình ương cá sát sọc.
Ban chủ nhiệm
Hội đồng thống nhất nghiệm thu đề tài. Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm cần chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện báo cáo theo góp ý của thành viên hội đồng.
Sở KH&CN TP. Cần Thơ