SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

TCVN 13607-3:2023 về giống ngô lai

[09/10/2024 09:27]

Trong quá trình sản xuất dòng hạt giống ngô lai sao để đảm bảo chất lượng, năng suất cao và chống chịu được sâu bệnh nên tuân theo Tiêu chuẩn TCVN 13607-3:2023.

Hạt giống ngô lai được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng theo quy trình nhân dòng thụ phấn tự do và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Giống ngô lai đơn (dòng mẹ A x dòng bố B). Giống ngô lai giữa một giống ngô lai đơn và một dòng thuần.

Công việc tạo giống phải qua các giai đoạn rút dòng, chọn lọc dòng, làm thuần dòng từ các nguồn nguyên liệu, các giống ngô lai thương phẩm. Thường thường thời gian để tạo dòng thuần cũng mất 4 - 5 năm (nếu mỗi năm làm 2 vụ). Đồng thời phải tiến hành nghiên cứu khả năng kết hợp của các dòng để tìm kiếm các tổ hợp lai ưu tú, thử nghiệm các tổ hợp lai trên các vùng sinh thái, xây dựng qui trình công nghệ sản xuất hạt giống cho từng giống ngô lai khi đã được công nhận đưa vào sản xuất.

Do đó để tạo ra giống ngô lai tốt, có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và những điều kiện bất thuận, thích nghi rộng nên tuân theo Tiêu chuẩn TCVN 13607-3:2023 Giống cây trồng nông nghiệp - Phần 3: Hạt giống ngô lai do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Yêu cầu về địa điểm, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị sản xuất hạt giống ngô lai.

Để sản xuất hạt giống ngô lai đảm bảo chất lượng, chống chịu bệnh tốt nên đáp ứng theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Yêu cầu về địa điểm sản xuất hạt dòng/giống ngô lai phải đáp ứng được yêu cầu của tiêu chuẩn này đồng thời phải phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển đặc trưng, đặc tính của từng dòng/giống ngô lai; do tổ chức, cá nhân sản xuất giống lựa chọn, quyết định.

Yêu cầu về cơ sở hạ tầng như diện tích đất đảm bảo nhu cầu để duy trì, nhân dòng bố mẹ và sản xuất hạt giống ngô lai F1 tại một điểm sản xuất dòng/giống ngô. Sân phơi hoặc hệ thống sấy, nhà mái che của khu vực xử lý mẫu giống, sấy hoặc phơi các cá thể dòng, khu vực chế biến dòng/giống. Hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng và phương tiện chuyên chở phù hợp. Hệ thống kho lạnh để bảo quản hạt động bố mẹ và hạt lai F1 với dung tích của kho và nhiệt độ, độ ẩm trong kho phù hợp, được duy trì thường xuyên để bảo quản hạt giống ngô lai.

Yêu cầu về trang thiết bị sản xuất hạt giống gồm máy làm đất, máy bơm nước, máy phun thuốc trừ sâu, bệnh, có dại, máy sấy, máy tẽ hạt, máy sàng phân loại hạt, máy nhuộm màu và máy đóng bao hạt giống, trang thiết bị đo lường, máy đo độ ẩm nhanh,....

Dụng cụ phục vụ sản xuất dòng/giống ngô (Khẩu trang, quần áo bảo hộ, ủng, găng tay, mũ, kính bảo hộ lao động, dụng cụ đo đếm, dụng cụ bảo quản mẫu dòng) và dụng cụ cách ly sản xuất dòng ngô.

Yêu cầu về ruộng sản xuất hạt giống nên chọn đất phù hợp, sạch có dại, có đầy đủ ánh sáng và tưới tiêu nước chủ động. Ruộng nhân dòng bố, mẹ và sản xuất hạt giống ngô lai F1 phải cách ly với các ruộng trồng ngô khác theo quy định hiện hành.

Tùy theo đặc điểm từng dòng bố mẹ, điều kiện nơi nhân dòng và điều kiện nơi sản xuất hạt lai F1 mà bố trí thời vụ, áp dụng biện pháp kỹ thuật về mật độ, khoảng cách, phân bón, chăm sóc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh thích hợp để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhất. Yêu cầu về kiểm định đồng ruộng giống theo các tiêu chuẩn liên quan về phương pháp kiểm định ruộng giống ngô lai hiện hành.

Yêu cầu khi thu hoạch, chế biến và bảo quản phải làm sạch tất cả các thiết bị, dụng cụ, phương tiện chuyên chở, bao bì, sân phơi và kho trước khi thu hoạch ngô giống. Chú ý phòng ngừa lẫn cơ giới trong quá trình thu hoạch, chế biến và bảo quản hạt giống.

Thu hoạch khi ngô chín sinh lý (chân hạt có vết sẹo đen hoặc khoảng 75% số cây có lá bi khô) chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Bắp phải được phơi hoặc sấy ngay sau khi thu hoạch.

Trước khi sấy phải loại bỏ các bắp khác dạng, bắp non hoặc bắp bị sâu, bệnh. Phơi hoặc sấy bắp, hạt dòng/giống ngô cho đến khi hạt đạt độ ẩm phù hợp theo quy định hiện hành. Sơ chế, chế biến hạt giống sau khi phơi hoặc sấy, tiến hành phân loại để loại bỏ tạp chất, hạt nứt vỡ, hạt không đảm bảo kích cỡ và hạt khác loài ra khỏi lô giống.

Hạt dòng/giống ngô lai F1 sau khi chế biến, được đóng trong bao quy cách, có mã hiệu lô dòng/giống để nhận biết (tên dòng/ giống, vụ sản xuất, mã hiệu lô dòng/giống). Lấy mẫu để kiểm tra chất lượng lô dòng/giống, nếu phù hợp yêu cầu theo quy định thì đưa vào bảo quản trong kho theo quy định.

Dòng bố mẹ và hạt giống ngô lai F1 được bảo quản trong kho theo từng lô, với mã hiệu lô dòng/giống. Các lô dòng/giống ngô được xếp theo quy định, không để sát tường, có lối đi xung quanh để tiện cho việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng hoặc xử lý khi cần thiết.

Việc duy trì dòng ngô bằng phương pháp tự thụ phấn cưỡng bức (bao cách ly từng cây) và nhân dòng ngô thuần ở khu cách ly bằng phương pháp thụ phấn tự do trong dòng theo quy định. Người duy trì, nhân dòng ngô phải dựa vào bản mô tả dòng theo phụ lục B, thực hiện quan sát, đánh giá các cá thể hoặc dòng tại ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển.

https://vietq.vn (tnxmai)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài