Những yếu tố ảnh hưởng đến trung tâm liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long của thành phố Cần Thơ
Sáng ngày 04/12/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ có buổi họp hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KHXH “Những yếu tố ảnh hưởng đến trung tâm liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long của thành phố Cần Thơ”. TS. Ngô Anh Tín – Giám Đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ làm Chủ tịch hội đồng. PGS.TS Đào Duy Huân làm Chủ nhiệm đề tài. Trường Đại học Tây Đô là cơ quan chủ trì.
Toàn cảnh buổi họp
Đề tài thực hiện nhằm phân tích, đánh giá, dự báo những nhân tố ảnh hưởng đến vai trò trung tâm liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long của thành phố Cần Thơ và đề ra giải pháp thực hiện để thành phố Cần Thơ trở thành hạt nhân liên kết vùng.
Thành viên hội đồng
Nội dung của đề tài gồm: (1) Phân tích thực trạng liên kết vùng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vai trò trung tâm liên kết của thành phố Cần Thơ; (2) Phân tích, đánh giá và dự báo những nhân tố ảnh hưởng đến vai trò trung tâm liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long của thành phố Cần Thơ; (3) Xây dựng, đề xuất mô hình thí điểm liên kết ngành du lịch; Đề xuất giải pháp và kiến nghị để thành phố Cần Thơ thể hiện được vai trò trung tâm liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ban chủ nhiệm
Xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm liên kết vùng là phù hợp với vị thế, năng lực và tiềm năng của Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL. Với vai trò trung tâm liên kết vùng sẽ cải thiện kết nối hạ tầng, đặc biệt là giao thông và logistics giữa các tỉnh, thành phố và vùng ĐBSCL. Khi TP. Cần Thơ trở thành trung tâm liên kết vùng có khả năng thu hút đầu tư từ các tỉnh, thành phố, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ trong vùng.
Hội đồng chụp ảnh lưu niệm
Hội đồng thống nhất nghiệm thu đề tài. Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm cần tiếp tục hoàn thiện nội dung và hình thức của đề tài nghiên cứu theo góp ý của thành viên hội đồng.
Sở KH&CN TP. Cần Thơ