Phát triển hệ sinh thái số về nguồn tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Nhằm kết nối các nguồn lực phát triển hệ sinh thái số về nguồn tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL; thúc đẩy sự hợp tác liên kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái số; tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, các nhân tiếp cận nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu đa dạng về thông tin khoa học và công nghệ đặc biệt là các cơ sở dữ liệu trọng yếu, đặc thù của từng địa phương phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Phát triển Hệ sinh thái số về nguồn tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ” vào chiều ngày 24/12/2024, tại Sảnh Meeting Room 3+4, Khách sạn Sheraton Cần Thơ (Số 209, Đường 30/4, Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).
Bà Trần Hoài Phương - Phó Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc hội thảo
Sự kiện là năm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ năm 2024 – Techfest Cantho 2024 với chủ đề “Khởi nghiệp Tây Đô – Hành trình khát vọng”.
Đến dự hội thảo, có lãnh đạo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ, Lãnh đạo các Viện, Trường Đại học, Trường Cao đẳng, các Thư viện công cộng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, vùng ĐBSCL; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ có liên quan trong và ngoài thành phố Cần Thơ; Các cơ quan báo chí đến tham dự và đưa tin.
Ông Vũ Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia phát biểu chào mừng hội thảo
Phát biểu chào mừng, ông Vũ Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho biết, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thành phố Cần Thơ nổi bật với hệ thống cơ sở đào tạo mạnh mẽ và đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý có trình độ cao. Đây là nơi hội tụ nhiều cơ sở nghiên cứu hàng đầu về lúa, cây ăn quả và công nghệ sinh học, như Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, và Viện Cây ăn quả miền Nam. Những điều kiện thuận lợi này đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ và toàn vùng ĐBSCL.
Bà Võ Thị Thu Hà – Trưởng phòng, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia báo cáo tại hội thảo
Trong thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức thông tin và thư viện quốc gia, Cần Thơ và các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã đạt được nhiều tiến bộ đáng khen ngợi trong việc phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ. Sự hợp tác xây dựng bộ sưu tập số về tài liệu và dữ liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo và đổi mới sáng tạo. Việc bổ sung nhiều nguồn tin điện tử quốc tế cũng góp phần quan trọng vào việc củng cố thông tin cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và giáo dục trong thời đại chuyển đổi số. Điều này hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế số với bốn trụ cột then chốt: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và bền vững.
Ông Ngô Kim Hoàng Nguyên - Giám đốc Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh báo cáo tại hội thảo
Trong thời gian tới, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với thành phố Cần Thơ và các địa phương trong khu vực ĐBSCL, tập trung vào việc bổ sung và phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ cả nước và quốc tế, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin cho tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cục sẽ chú trọng đến các nguồn tin đặc thù của các địa phương, đồng thời khai thác và tích hợp nguồn tin nội sinh để xây dựng một hệ sinh thái thông tin hoàn chỉnh. Với các cơ chế, chính sách và khung pháp lý đã được thiết lập, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia tin tưởng rằng việc phát triển hệ sinh thái số cho nguồn tin khoa học và công nghệ sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, đồng hành cùng sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước.
TS. Nguyễn Huy Chương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số báo cáo tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Hoài Phương - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học và công nghệ cùng nguồn lực thông tin KH&CN là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của vùng đất chín rồng, đặc biệt là thành phố CầnThơ và các tỉnh ĐBSCL. Việc phát triển thông tin KH&CN đang diễn ra đồng bộ và gắn kết giữa các địa phương, tạo ra sức mạnh tổng thể cho vùng.
Trong khuôn khổ Techfest Can Tho 2024 với chủ đề “Khởi nghiệp Tây Đô – Hành trình khát vọng”, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động quan trọng nhằm phát triển hệ sinh thái số về thông tin KH,CN&ĐMST. Sự kiện đã ra mắt Hệ sinh thái số và Mạng lưới Liên kết phát triển hệ sinh thái số về thông tin KH,CN&ĐMST của vùng ĐBSCL.
Bà Đoàn Diễm Trang - Chuyên viên Giải pháp Thư viện - Công ty Cổ phần Giải pháp Thiết bị Sao Mai báo cáo tại hội thảo.
Hội thảo “Phát triển hệ sinh thái số về nguồn tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ” thảo luận các chủ đề nóng như xây dựng và phát triển dữ liệu KH,CN&ĐMST tại thư viện các trường đại học, vấn đề thực thi bản quyền tài liệu số, và giải pháp bảo vệ quyền lợi của tác giả và người sử dụng.
Hội thảo cũng đề xuất các giải pháp công nghệ nhằm kết nối, chia sẻ nguồn lực thông tin KH,CN&ĐMST giữa các trung tâm thông tin và thư viện, đồng thời phát triển mô hình thư viện thông minh công cộng phục vụ xã hội học tập. Sự kiện này hứa hẹn sẽ tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ và toàn vùng ĐBSCL.
Đại biểu tham dự
Hội thảo tập trung vào các chủ đề quan trọng liên quan đến vai trò của nguồn tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng - an ninh; Các hoạt động xây dựng và phát triển dữ liệu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại thư viện các trường Đại học hiện nay; Vấn đề thực thi bản quyền tài liệu trên môi trường số cũng được đưa ra thảo luận, cùng với các giải pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của tác giả và người sử dụng. Đặc biệt, các giải pháp để phát huy hiệu quả hoạt động liên kết và hợp tác về thông tin – thư viện trong bối cảnh chuyển đổi số. Ngoài ra, hội thảo sẽ đề xuất các giải pháp công nghệ nhằm phát triển, kết nối và chia sẻ nguồn lực thông tin KH,CN&ĐMST giữa các trung tâm thông tin và thư viện, cũng như phát triển mô hình thư viện thông minh công cộng phục vụ cho xã hội học tập. Những nội dung này hứa hẹn sẽ mang lại những góc nhìn mới và giải pháp hiệu quả trong việc tận dụng nguồn tin khoa học để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, tại sự kiện còn diễn ra các hoạt động như: Hoạt động đăng ký và cấp tài khoản miễn phí truy cập các Chuyên trang về tài liệu khoa học cho các tổ chức, cá nhân tham dự hội thảo; Thu thập nhu cầu sử dụng thông tin KH,CN&ĐMST của các tổ chức, cá nhân thông qua hình thức tham gia khảo sát trực tuyến; Hoạt động trưng bày giới thiệu về nền tảng công nghệ và dữ liệu phục vụ phát triển hệ sinh thái số về nguồn tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ứng dụng trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu chụp hình lưu niệm
Hội thảo là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các chuyên gia, đặc biệt là các viện, trường cùng các cơ quan quản lý nhà nước có cơ hội cùng nhau trao đổi, chia sẻ những quan điểm, những góc nhìn từ nhiều góc độ khác nhau trong hệ sinh thái số về nguồn tin KH,CN&ĐMST. Là tiền đề phát triển hệ sinh thái số về nguồn tin KH,CN&ĐMST vùng ĐBSCL liên kết với cả nước, hướng đến phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số hiện nay.
Sở KH&CN TP. Cần Thơ