Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với rễ cỏ xước sấy khô
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng trong quá trình chế biến, sấy khô hay bảo quản cây cỏ xước làm dược liệu nên tuân theo các yêu cầu hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017.
Cây cỏ xước có tên gọi khác như ngưu tất nam, cây bách bội, hoài ngưu tất hay cỏ ngưu tịch, thuộc họ rau dền. Cây sống lâu năm, sinh trưởng và phát triển mạnh trong môi trường tự nhiên, mọc hoang khắp nước ta. Cây cao trung bình khoảng 1 - 1,5m, cây phân thành nhiều nhánh nhỏ. Lá mọc so le, đối nhau, phiến lá dày, cuống nhỏ. Hoa cỏ xước thường mọc ra từ các kẽ lá thành từng cụm nhỏ. Quả hình trứng hoặc bầu dục. Cây có tên khoa học Achyranthes bidentata Blume, thuộc họ rền Amaranthaceae.
Theo Đông y cây cỏ xước vị chua, đắng nhẹ, bình, lành tính không độc. Cỏ xước có công dụng làm thuốc an thần, thông tiểu, giải nhiệt, tiêu viêm, giảm đau, chữa viêm khớp. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, viêm gan, thận, xơ vữa động mạch, rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh.
Trong nhân dân dùng cây cỏ xước tươi để hoạt huyết tiêu viêm, nếu dùng khô hoặc rang vàng hạ thổ lại có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, mạnh gân cơ, trừ thấp qua con đường tiểu tiện, do đó cỏ xước có tác dụng chữa sỏi thận, đau lưng do sỏi thận.
Theo y học hiện đại, cỏ xước có tác dụng hỗ trợ tăng cường khả năng tổng hợp protein trong cơ thể, và có tính lợi tiểu giúp bồi bổ kích thích cho thận. Ngoài ra có thể bổ gan, giảm cholesterol trong máu, giảm đau, kháng viêm, giảm sưng, điều trị xương khớp.
Xong để đảm bảo yêu cầu an toàn khi sử dụng cây cỏ xước nhất là đối với sản phẩm sấy khô càng phải đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy định để trong quá trình sấy khô, bảo quản tránh được những ẩm mốc, vi khuẩn tấn công gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Sử dụng cây cỏ xước làm dược liệu nên tuân theo các yêu cầu theo tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa
Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với rễ cỏ xước đã phơi hay sấy khô nên được thu hoạch vào mùa Đông là tốt nhất. Đào lấy cả bộ rễ, giũ sạch đất, cát và rửa nhanh cho sạch, phơi hay sấy ở 50 °C - 60 °C tới khô.
Bộ rễ khô cong queo, hình thù bất định, gồm rễ chính dài từ 10 cm đến 20 cm, đường kính 0,2 cm đến 0,5 cm và nhiều rễ con. Mặt ngoài màu nâu nhạt, nhẵn, hoặc hơi nhăn nheo, đôi khi có các vết sần nhỏ. Mặt cắt ngang màu nâu nhạt hay nâu vàng, ở rễ chính có vòng tròn đồng tâm. Thể chất cứng dai, vết bẻ nhiều xơ, mùi nhẹ, vị hơi ngọt.
Về vi phẫu biểu bì gồm một hàng tế bào hình chữ nhật, sần sùi, có chỗ bị bong ra. Mô mềm vỏ gồm khoảng 6 đến 19 lớp tế bào thành mỏng, hình chữ nhật, xếp theo phương tiếp tuyến. Thường có 3 đến 4 vòng libe- gỗ, các vòng ngoài xếp liên tục, còn 1 đến 2 vòng trong cúng thường bị tia ruột chia thành các bó riêng lẻ đứng gần nhau, trong mỗi vòng libe và gỗ thì các libe xếp ngoài, gỗ ở phía trong. Phân cách giữa libe và gỗ là tầng phát sinh libe-gỗ không rõ. Gỗ bao gồm các mạch gỗ nằm trong mô mềm gỗ, rải rác có thể có các sợi.
Yêu cầu về bột phải có màu trắng xám, vị nhạt. Quan sát trên kính hiển vi thấy mảnh mạch gỗ thường nhỏ và hẹp, chủ yếu là mạch điểm. Mảnh biểu bì màu sẫm hơi vàng, các tế bào không rõ rệt. Mảnh mô mềm tế bào hình chữ nhật; tinh thể calci oxalat nhỏ, hình khối. Hạt tinh bột nhỏ, hình tròn.
Định tính dùng pháp sắc ký lớp mỏng, dung dịch thử nên lấy 1g bột dược liệu, thêm 30ml ethanol 75 % và 3ml acid hydrocloric, đun hồi lưu trong 1,5h, để nguội, lọc. Cô dịch lọc trên cách thủy đến cạn. Hòa cắn trong 20ml nước, chuyển vào bình gạn, lắc kỹ với 40ml dicloromethan. Gạn lấy dịch chiết dicloromethan, cố trên cách thủy đến cạn, hòa cắn trong 1ml ethanol được dung dịch chấm sắc ký. Dung dịch chất đối chiếu nên hòa tan acid oleanolic chuẩn trong ethanol để được dung dịch có nồng độ khoảng 1mg/ml. Dung dịch dược liệu đối chiếu lấy 1g bột có xước (mẫu chuẩn) chiết như mỏ tả ở phần Dung dịch thử.
Yêu cầu về độ ẩm không quá 12,0%, tro toàn phần không quá 6,0%, kim loại nặng không quá 20 phần triệu. Chất chiết được trong dược liệu không được ít hơn 8,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Yêu cầu về chế biến dược liệu cắt đoạn, lấy dược liệu khô, rửa nhanh, ủ mềm, cắt đoạn dài khoảng 5 cm, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Các đoạn rễ to nhỏ trộn lẫn nhau. Mặt ngoài màu nâu nhạt, nhẵn, hoặc hơi nhăn nheo, đôi khi có các vết sần nhỏ. Mặt cắt màu nâu nhạt hay nâu vàng, ở rễ chính có vòng tròn đồng tâm. Thể chất cứng dai, vết bẻ nhiều xơ, mùi nhẹ, vị hơi ngọt. Nên bảo quản cây cỏ xước sấy khô nơi khô, tránh mốc mọt.
ĐỂ BIẾT THÊM NỘI DUNG TOÀN VĂN CỦA TIÊU CHUẨN TCVN SỬA ĐỔI 1:2024 TCVN I-4:2017
VUI LÒNG LIÊN HỆ:
Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Đ/c: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 37562608/ 37564268
Email: ismq@tcvn.gov.vn