Tăng cường hoạt động so sánh liên phòng về đo lường
Ngày 10/1/2025 tại Hà Nội, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TCĐLCLQG) tổ chức Hội thảo “Tăng cường hoạt động so sánh liên phòng (SSLP) về đo lường”.
Phát biểu khai mạc, ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCLQG cho biết, SSLP về đo lường là việc tổ chức thực hiện và đánh giá các phép đo hoặc phép thử trên cùng mẫu so sánh hoặc trên các mẫu so sánh tương tự nhau bởi nhiều tổ chức tham gia thực hiện chương trình SSLP theo những điều kiện xác định trước.
Ở Việt Nam, vào năm 2023, SSLP đã được đưa vào Quyết định 103/QĐ-BKHCN và lần đầu tiên trong văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam có từ ngữ SSLP trong đo lường. Suốt thời gian qua, nhờ sự nỗ lực không ngừng các chương trình SSLP đã được triển khai hiệu quả.
Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCLQG gửi lời cảm ơn đến những đóng góp to lớn của tập thể cán bộ hoạt động trong lĩnh vực đo lường trong suốt thời gian qua; đồng thời, khẳng định giai đoạn tới, ngành đo lường sẽ tiếp tục hoàn thiện, tăng cường hoạt động SSLP về đo lường... nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực đo lường và nâng cao uy tín quốc gia, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế…
Ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCLQG phát biểu khai mạc Hội thảo
Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, Ủy ban TCĐLCLQG cho biết, thời gian qua, Ủy ban TCĐLCLQG đã triển khai thí điểm các văn bản quy phạm pháp luật về SSLP, nhờ đó, có rất nhiều Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục TĐC, tổ chức tư nhân tham gia vào SSLP đạt được nhiều hiệu quả và đem lại những giá trị tích cực.
Ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh, với vai trò là đầu mối giúp Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCLQG theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình SSLP về đo lường, Vụ Đo lường sẽ tiếp tục điều phối và triển khai thực hiện các chương trình SSLP theo chuẩn mực tại Quyết định số 1537/QĐ-BKHCN; điều chỉnh việc xây dựng kế hoạch SSLP trên cơ sở tập hợp nhu cầu SSLP của các tổ chức, cá nhân thông qua việc đề xuất nhu cầu của các tổ chức công nhận như BoA, VACI, AOSC…
Ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, Ủy ban TCĐLCLQG Báo cáo tại Hội thảo.
Tại phiên thảo luận về sử dụng kết quả SSLP và kết quả chương trình SSLP năm 2025, với vai trò đơn vị quản lý, ông Trần Quý Giầu, Trưởng Ban ban Đo lường, Ủy ban TCĐLCLQG chia sẻ, ở cấp độ quốc tế, các quốc gia muốn tham gia vào thỏa thuận thừa nhận toàn cầu về đo lường, thử nghiệm, bắt buộc phòng đo lường, thử nghiệm phải tham gia các chương trình SSLP. Kết quả của việc tham gia SSLP là cơ sở để đánh giá năng lực của các phòng đo lường, thử nghiệm nhằm thừa nhận các kết quả đo, hiệu chuẩn.
Việt Nam đang hướng đến việc thống nhất chuẩn quốc gia và thực hiện các chương trình SSLP ở cả cấp quốc gia và cấp cơ sở. Theo đó, các tổ chức cần chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực để tham gia vào các chương trình nhằm đạt kết quả tốt nhất; cần chủ động rà soát theo thông báo về triển khai các chương trình SSLP và hằng năm có thể đăng ký nhu cầu thực hiện SSLP ở các cấp độ khác nhau…
Bên cạnh đó, với mục tiêu đổi mới hoạt động đo lường, nhiều doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo chuẩn đo lường có nhu cầu tham gia hoạt động SSLP về đo lường theo cách thức, chuẩn mực phù hợp thông lệ quốc tế. Đặc biệt, thông qua hoạt động SSLP về đo lường, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đánh giá chính xác năng lực kỹ thuật của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và kết quả SSLP là cơ sở phục vụ xem xét đăng ký, chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường của tổ chức này.
Ông Đặng Quốc Quân, Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA) cho rằng, quyền lợi của các phòng thí nghiệm khi tham gia chương trình SSLP là được chấp nhận kết quả của các chương trình; sự liên kết chặt chẽ giữa các bên đã tạo điều kiện thuận lợi cho phòng thí nghiệm.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.