Quảng Ninh: “Mạnh tay” phát triển khoa học - công nghệ
Để trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2015, Quảng Ninh đã và đang tập trung đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ.
Khuyến khích các doanh
nghiệp đầu tư cho KH-CN.
Ảnh: Cấn Dũng
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết: 6 tháng đầu năm, công tác nghiên cứu khoa học
và phát triển công nghệ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công
nghệ (KH-CN) của tỉnh đã triển khai 3 nhiệm vụ cấp nhà nước, 29 nhiệm vụ cấp
tỉnh, 28 nhiệm vụ cấp cơ sở; tổ chức thẩm định 17 dự án về xây dựng và phát
triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, 7 dự án ứng dụng chuyển giao tiến
bộ KH - CN. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động KH - CN được duy trì, thực hiện
tốt.
Năm 2012, Quảng Ninh dành 4 - 5% ngân
sách tỉnh cho hoạt động KH-CN. Đây là mức cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố cả
nước, thể hiện quyết tâm đưa KH-CN trở thành động lực then chốt trong quá trình
phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Được biết, năm 2011, ngân sách đầu tư cho
KH-CN là 57,8 tỷ đồng, nhưng chỉ sau một năm, con số đã tăng lên 350 tỷ đồng,
tương đương 5% ngân sách và 1% GDP của tỉnh. Nguồn này chủ yếu phục vụ
cho việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH-CN phục vụ phát triển kinh tế.
Năm 2012, Quảng Ninh chọn là năm
KH-CN. Theo đó, tỉnh tạo chuyển biến nhận thức trong bộ máy, hệ thống bắt đầu
từ cấp ủy. Đồng thời, thí điểm thực hiện và hoàn thiện cơ chế quản lý KH-CN đặc
thù, mang tính đột phá để thu hút cán bộ trong nước, chuyên gia nước ngoài. Bên
cạnh đó, Bộ KH-CN cũng đã ký chương trình hợp tác toàn diện về chuyển giao ứng
dụng KH-CN vào địa phương; xây dựng, vận hành đồng bộ và hiện đại hóa các cơ sở
hạ tầng kỹ thuật như: Khu nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, trường đại học đa
ngành vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Trên cơ sở đó, phát huy tối đa vai trò của
KH- CN, tạo những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.
Sở dĩ Quảng Ninh “mạnh tay” trong phát
triển KH-CN, bởi trước đó, Bộ Công Thương đã rà soát lại tiêu chí của một tỉnh
công nghiệp. Vướng mắc lớn nhất của Quảng Ninh là hàm lượng KH-CN trong sản
phẩm còn thấp. Vì vậy, tỉnh sẽ được cấu trúc lại và quản lý hệ thống KH-CN một
cách khoa học, nhằm đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo
hướng hiện đại vào năm 2015.
Hiện Quảng Ninh đang tiếp tục đa dạng
hóa nguồn thu xã hội và khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia. Việc lồng
ghép các chương trình phát triển KH-CN trọng điểm của địa phương với chương
trình quốc gia cũng được đưa ra như một giải pháp tận dụng tối đa hỗ trợ của
nhà nước; đảm bảo sự nhất quán trong chính sách giữa quốc gia và địa phương.
Theo baocongthuong.com.vn (nthieu)