SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đã đến lúc khoa học công nghệ cứu cánh nền kinh tế

[31/07/2012 00:23]

Đó là nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân tại Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với công tác truyền thông KHCN” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN vừa tổ chức.

Một góc sản xuất của Cty Cp Bóng đèn Phích nước Rạng Đông
(Ảnh Ngũ Hiệp)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, những cơ chế cũ chúng ta đã sử dụng trong thời gian qua đến nay không còn nhiều tác dụng. Điều đó đặc biệt đúng khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hòa nhập vào “sân chơi” toàn cầu và những đòi hỏi của phát triển đất nước. Từ thực tiễn phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm, bài học của các nước phát triển cho thấy, đã đến lúc Việt Nam phải đặt KH&CN, cùng với Giáo dục và Đào tạo là cứu cánh cho nền kinh tế.

Cần có cơ chế mới phù hợp

Trong 30 qua, Việt Nam đã phát triển và tăng trưởng ngoạn mục với tốc độ ổn định từ 7- 8%/ năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng đó lại nằm trên một mặt bằng thấp so với thế giới. Vì vậy, dù có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng giá trị của sự tăng trưởng lại chưa lớn và chưa nhiều. Tạo đà cho việc tăng trưởng nói trên theo Bộ trưởng Nguyễn Quân có ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, việc tháo gỡ rào cản chính sách kinh tế của 30 năm trước đó đã tạo một bước tiến dài của kinh tế thị trường. Chỉ riêng việc khoán ruộng cho nhân dân, Việt Nam từ nghèo đói đã trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới.

Thứ hai, với nguồn nhân công dồi dào, thêm vào yếu tố giá rẻ đã đảm bảo cho sự tăng trưởng trong suốt thời gian qua. GDP đầu người thấp tạo nên tiền lương đầu người của Việt Nam rất thấp, như vậy các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện tiếp cận và sử dụng nguồn lực này một cách thuận lợi.

Thứ ba, chúng ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Từ chỗ chưa phát triển công nghiệp, đến nay yếu tố khai thác đã được triển khai qua nguồn tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm qua, nguồn khai thác tại Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô, sản phẩm sơ chế dẫn đến giá trị kinh tế không cao.

Tuy nhiên, nhân công giá rẻ đã bắt đầu không còn ưu thế, bởi Việt Nam đã qua ngưỡng của một nước có thu nhập trung bình. Nước ta cũng đang phải cạnh tranh với một số nước trong khu vực như Mianma, Trung Quốc… về thu hút đầu tư nước ngoài.

Tiếp đó, yếu tố về tài nguyên khoáng sản cũng không thể tiếp tục là lợi thế như trước đây và Chính phủ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô. Than của Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu từ Indonesia, do nguồn than trong nước không còn “dồi dào” như trước đây để có thể cung cấp đủ cho sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước. Dầu mỏ cũng đã bắt đầu giảm khai thác do nguồn cung không còn ổn định nữa.

“Cơ chế chính sách cũ" đã không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh lại bằng cơ chế mới, phù hợp với điều kiện hòa nhập vào “sân chơi” chung quốc tế. Yếu tố tháo gỡ cơ chế áp dụng một thời gian dài trước đây đã đến hồi kết. Tất cả những vấn đề trên cũng như kinh nghiệm của tất cả các quốc gia cho thấy, đã đến lúc Việt Nam phải đặt KH&CN, cùng với Giáo dục và Đào tạo sẽ là cứu cánh cho nền kinh tế” Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Đẩy mạnh hơn nữa đầu tư từ xã hội

Về chế độ đãi ngộ cũng như tương lai nguồn nhân lực KH&CN, với 2% tổng chi ngân sách quốc gia dành cho KH&CN là con số không hề nhỏ, điều này tương đương từ 0,5-0,6% GDP. Đây là tỷ lệ cao so với nhiều nước trên thế giới. Điều đó thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và nhà nước cho KH&CN.

Tuy nhiên, đứng từ góc độ tổng đầu tư của xã hội cho KH&CN thì mặt bằng chung còn rất thấp. Cho đến thời điểm này, đầu tư cho KH&CN từ khối doanh nghiệp (khoảng 300 triệu USD) chỉ bằng một nửa Ngân sách nhà nước (khoảng 700 triệu USD). Con số đó là vô cùng nhỏ so với nhu cầu xã hội đối với KH&CN, rất thấp so với thế giới, thậm chí cả các nước trong khu vực.

Trung Quốc là một ví dụ, hiện nước này đã vượt 2,5% GDP quốc gia từ tổng đầu tư xã hội, với 5000 tỷ USD tổng thu nhập quốc dân, như vậy khoảng 100 USD/đầu người, so với 10 USD của Việt Nam. Hàn Quốc 5% GDP quốc gia cho KH&CN, 1 người dân Hàn Quốc có hơn 1000 USD cho KH&CN…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu coi KH&CN là quốc sách, cần phải đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, vấn đề này cho đến nay vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Nguyên nhân chính vẫn là sự ỷ lại vào nhà nước, bởi từ trước tới nay vẫn chỉ có nhà nước đầu tư cho KH&CN là chính.

Đáng chú ý là từ khi có Luật Doanh nghiệp ra đời đến nay, từ hơn 5000 doanh nghiệp thuộc cả nhà nước và tập thể (trước năm 1986), đến nay đã có hơn 600 ngàn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó, con số doanh nghiệp ngoài nhà nước đã nhiều hơn doanh nghiệp nhà nước rất nhiều so với trước đây. Ngoài ra, Luật KH&CN cũng đã làm thay đổi nền KH&CN Việt Nam. Từ năm 2000 trở lại đây, Việt Nam đã xuất hiện nhiều tổ chức KH&CN thuộc mọi thành phần kinh tế. Với nguồn lực doanh nghiệp lớn như kể trên và khi có cơ chế hợp lý, chắc chắn nguồn đầu tư của doanh nghiệp vào KH&CN sẽ tăng cao đáng kể, giảm sức ép cho ngân sách từ nhà nước.

Điều đáng buồn là các doanh nghiệp nhà nước hiện nay phát triển và đầu tư cho KH&CN chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức. Với chủ trương trích 10% lợi nhuận trước thuế cho KH&CN, đầu tư thêm vào KH&CN sẽ tăng gấp đôi ngân sách nhà nước. Thế nhưng, khi trình Quốc hội, điều khoản ấy đã bị thay đổi, được sửa thành doanh nghiệp “được” trích 10%, so với “phải” trích 10% (điều này do Bộ KH&CN đề xuất). Sự thay đổi ấy đã làm cho 4 năm qua, các doanh nghiệp không trích một khoản nào cho KH&CN. Do vậy, một lần nữa “điều khoản này sắp tới cần được thay đổi trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc Luật KH&CN” Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thêm.

http://tuyengiao.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ