Tuyển chọn tổ chức, cá nhân Nghiên cứu phát triển chuỗi sản phẩm giá trị gia tăng từ quả tắc theo hướng tuần hoàn kín
Ngày 20/3/2025, Bà Trần Hoài Phương – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ chủ trì Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài KH&CN "Nghiên cứu phát triển chuỗi sản phẩm giá trị gia tăng từ quả tắc theo hướng tuần hoàn kín". Hội đồng có sự tham gia của TS. Trần Chí Nhân - Chủ nhiệm đề tài và đại diện trường ĐH Cần Thơ - cơ quan chủ trì, cùng các thành viên khoa học. Đề tài tập trung giải quyết những thách thức hiện nay của quả tắc - loại quả giàu dinh dưỡng nhưng chưa được khai thác hiệu quả.


Toàn cảnh hội đồng
Giá trị và thách thức của quả tắc
Tắc (quất) là loại quả giàu vitamin C, flavonoid và khoáng chất, có nhiều giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra, cây tắc dễ trồng, ít sâu bệnh và có thể tận dụng toàn bộ trong mô hình tuần hoàn, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, đây cũng là một phụ phẩm có tiềm năng chế biến cao, là nguồn thu nhận tinh dầu, pectin, cao chiết và dầu ăn.
Tuy nhiên, hiện nay, việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ quả tắc cũng đứng trước không ít thách thức. Về mặt khoa học, nhóm nghiên cứu đánh giá tình hình nghiên cứu về quả tắc trong nước hiện đang chưa nhận được quá nhiều sự quan tâm (thiếu thông tin và dữ liệu), dẫn đến những hạn chế nhất định trong vấn đề nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Về thực tiễn, sản phẩm từ quả tắc chủ yếu dừng ở mức sơ chế như mứt truyền thống hoặc bán tươi, thiếu sự đa dạng về mặt hàng và vị đắng của sản phẩm cũng góp phần khiến cho các sản phẩm từ quả tắc chưa nhận được quá nhiều sự ưu ái. Bên cạnh đó, nguồn cung sản phẩm đa phần là các vùng trồng trọt tự phát và chưa có đầu ra; Giá trị kinh tế của sản phẩm thấp (6000÷8.000 đồng/kg); thời gian bảo quản ngắn, do độ ẩm cao, vỏ mỏng, mọng nước. Đặc biệt, khoảng 50% phụ phẩm (vỏ, hạt, bã) từ tắc bị thải bỏ trực tiếp ra môi trường, gây lãng phí và ô nhiễm.

Ban chủ nhiệm báo cáo tại hội đồng
Đa dạng sản phẩm, gia tăng giá trị kinh tế từ quả tắc
Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu xây dựng chuỗi quy trình sản xuất tuần hoàn từ trái tắc, tận dụng tối đa nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, hướng đến đa dạng hóa sản phẩm từ chính phẩm, phụ phẩm và phế phẩm.
Nhóm tập trung phát triển các dạng sản phẩm như nước tắc cô đặc, tinh dầu, dầu tắc (dạng lỏng); marmalade tắc, kẹo dẻo (dạng gel); cao chiết (dạng sệt); và mứt sấy dẻo, bột tắc, pectin, phân bón vi sinh (dạng rắn). Đồng thời, hướng tới việc chuyển giao công nghệ sản xuất thực tế, góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và gia tăng giá trị cho ngành chế biến nông sản (nói chung).
Kết quả tuyển chọn
Hội đồng đánh giá cao định hướng nghiên cứu và thống nhất thông qua đề tài. Đồng thời, cũng có những đóng góp, phản biện từ góc nhìn KH&CN, giúp Ban chủ nhiệm nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng của đề tài.

Hội đồng phản biện đóng góp ý kiến
Sở KH&CN TP. Cần Thơ (htquyen)