Nghiên cứu Cải tiến kỹ thuật nuôi và phát triển thương hiệu ong mật thành phố Cần Thơ
“Mặc dù, là loài động vật mang đến rất nhiều giá trị, nhưng ở Việt Nam, đặc biệt là ở ĐBSCL, hiện chưa có nhiều nghiên cứu khai thác giá trị của ong mật. Lĩnh vực này khiến một số nhà khoa học… bói mãi không ra”
Ngày 26/4/2025, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ tổ chức Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài Nghiên cứu Cải tiến kỹ thuật nuôi và phát triển thương hiệu ong mật thành phố Cần Thơ. Hội đồng do ông Trần Đông Phương An – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ chủ trì, với sự tham gia của PGS.TS. Lâm Phước Thành (Chủ nhiệm đề tài), đại diện trường ĐH Cần Thơ (cơ quan chủ trì), các thành viên đề tài và các chuyên gia, nhà khoa học tham gia phản biện.

Toàn cảnh hội đồng
Từ tình hình nghiên cứu về ong mật ở Việt Nam, đặc biệt là ở ĐBSCL
Trong buổi báo cáo, Ban Chủ nhiệm đã khái quát tình hình nghiên cứu về chăn nuôi ong mật: Nhu cầu về con giống ong tốt với khả năng cho mật cao, chất lượng chăn nuôi tốt là rất lớn. Tuy nhiên, những nghiên cứu có tính hệ thống về đánh giá hiện trạng chăn nuôi ong mật của ong Ý và ông Dú là rất ít, thậm chí là chưa được thực hiện ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, còn rất hiếm các nghiên cứu về kỹ thuật nuôi ong Ý thùng kế ở Việt Nam.

Ban Chủ nhiệm báo cáo tại Hội đồng
Đánh giá về tình hình nghiên cứu ong mật và mật ong ở Việt Nam, các thành viên phản biện cũng thống nhất cao với tổng quan tình hình nghiên cứu do Ban Chủ nhiệm trình bày. PGS.TS. Phạm Hồng Thái - Giảng viên tại Bộ môn Côn trùng, khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam – thành viên phản biện nhận định: “Mặc dù, là loài động vật mang đến rất nhiều giá trị, nhưng ở Việt Nam, đặc biệt là ở ĐBSCL, hiện chưa có nhiều nghiên cứu khai thác giá trị của ong mật. Lĩnh vực này khiến một số nhà khoa học… bói mãi không ra”

PGS.TS. Phạm Hồng Thái - Giảng viên tại Bộ môn Côn trùng, khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam – thành viên phản biện

Các thành viên Hội đồng phản biện
Đến giải pháp nhằm phát triển ngành chăn nuôi ong mật ở TP. Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL
Nhằm đáp ứng tốt các mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, Ban Chủ nhiệm đề xuất thực hiện các giải pháp: Nghiên cứu bổ sung các loại thức ăn để nâng cao năng suất của mật ong Dú; Đánh giá năng suất và chất lượng mật ong Ý và mật ong Dú khi được nuôi thí điểm tại các trang trại ong ở TP. Cần Thơ. Đặc biệt, đề tài sẽ thực hiện đăng ký chứng nhận OCOP cho mật ong Ý của TP. Cần Thơ, ... Đây là một bước tiến mới cho thương hiệu mật ong “make in Cần Thơ” và xa hơn, là đóng góp cho thương hiệu mật ong “make in Việt Nam”.
Đồng thời, Ban Chủ nhiệm còn tổ chức các Hội thảo tập huấn nhân rộng mô hình nuôi ong Ý và ong Dú tại TP. Cần Thơ.
Đánh giá kết quả tuyển chọn
Các thành viên phản biện thống nhất thông qua và đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài, uy tín của Ban Chủ nhiệm, đơn vị chủ trì. Đồng thời, kỳ vọng kết quả nghiên cứu sẽ mở ra những kỳ vọng mới cho lĩnh vực chăn nuôi ong mật ở ĐBSCL nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã có một số ý kiến đóng góp xoay quanh tên đề tài, phương pháp, kỹ thuật của đề tài, nhằm giúp Ban Chủ nhiệm nâng cao giá trị nghiên cứu, giá trị thực hiện của công trình trong tương lai.