Cần Thơ giới thiệu Khung kiến thức, kỹ năng, nền tảng triển khai ‘Bình dân học vụ số’
“Bình dân học vụ số Cần Thơ” – Học mọi lúc, vươn mọi nơi!
80 năm trước, phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động là một biểu tượng của lòng quyết tâm, ý chí, tinh thần đoàn kết giúp người dân thoát khỏi mù chữ, tiếp cận tri thức. Ngày nay, trong kỷ nguyên số và hướng tới xã hội thông minh, tinh thần ấy đang được kế thừa và phát triển với phong trào “Bình dân học vụ số”. Phong trào có sứ mệnh phổ cập kiến thức, kỹ năng số đến mọi tầng lớp nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Để góp phần hiện thực hóa, cụ thể hóa khung kiến thức, kỹ năng và nền tảng triển khai “Bình dân học vụ số”, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành Khung kiến thức, kỹ năng, nền tảng triển khai ‘Bình dân học vụ số’ và được ra mắt trong Hội nghị phát động phong trào “Bình dân học vụ số” TP. Cần Thơ vào sáng ngày 21/5/2025.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ đã đại diện ngành Khoa học và Công nghệ địa phương giới thiệu khung kiến thức, kỹ năng, nền tảng “Bình dân học vụ số”, với khẩu hiệu “Bình dân học vụ số Cần Thơ – Học mọi lúc, vươn mọi nơi!”. Trong đó, xác định nhiều vấn đề quan trọng của việc phổ cập tri thức số hóa.
.jpg)
Sáng tạo nội dung số không chỉ là chụp ảnh, quay video mà còn là khả năng soạn thảo, kết hợp văn bản và hình ảnh một cách chuyên nghiệp, có trích dẫn nguồn.
Mang tri thức số hóa đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hướng dẫn từng người
Với nỗ lực phát triển nền tảng Bình dân học vụ số (https://binhdanhocvuso.cantho.gov.vn), phong trào “Bình dân học vụ số” cung cấp cho mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, … các khóa học trực tuyến, miễn phí, có thể học tập ở mọi lúc, mọi nơi, không giới hạn. Từ đó, đưa tri thức số hóa đến từng ngõ, từng nhà, hướng dẫn tận tay đến mỗi người dân.
.jpg)
Giao diện nền tảng “Bình dân học vụ số” TP. Cần Thơ
03 nhóm kiến thức, 06 nhóm kỹ năng số cơ bản – chìa khóa phát triển trong kỷ nguyên số
Để phấn đấu đưa mỗi người dân trở thành một công dân số trong xã hội mới, phong trào “Bình dân học vụ số” trang bị cho người dân 06 nhóm kỹ năng cơ bản, gồm: (1) Kỹ năng sử dụng thiết bị và phần mềm; (2) Kỹ năng khai thác dữ liệu và thông tin; (3) Kỹ năng giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; (4) Kỹ năng sáng tạo nội dung số; (5) Kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin; (6) Kỹ năng giải quyết vấn đề nhờ công nghệ số.
06 nhóm kỹ năng này đáp ứng những nhu cầu cơ bản của một công dân số, đáp ứng những nhuư cầu thiết yếu của việc tiến vào xã hội số.

Không ai bị bỏ lại phía sau trong phong trào “bình dân học vụ số”
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là “xóa mù” về chuyển đổi số”, trong phong trào “Bình dân học vụ số” TP. Cần Thơ năm 2025, Sở Khoa học và Công nghệ xác định 04 nhóm đối tượng người học bao trùm, rộng khắp, từ cán bộ CC,VC trong các cơ quan Nhà nước, người lao động trong các doanh nghiệp, người dân đến HS,SV đều là đối tượng được phổ cập hệ tri thức số hóa.
Kết quả của phong trào “Bình dân học vụ số” phải được đo lường bằng sự thay đổi căn bản về năng lực số của người dân, thúc đẩy kinh tế số, xây dựng chính quyền số, xã hội số
Thực hiện yêu cầu: Kết quả của phong trào “Bình dân học vụ số” phải được đo lường bằng sự thay đổi căn bản về năng lực số của người dân, thúc đẩy kinh tế số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, phong trào “Bình dân học vụ số” xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kỹ năng số.
Việc triển khai đánh giá với các tiêu chí rõ ràng, phương thức linh hoạt và cấu trúc kiểm tra khoa học không chỉ giúp xác định trình độ hiện tại của từng đối tượng mà còn là cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, thiết thực. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được đánh giá thông qua hệ thống MOOC; người lao động trong doanh nghiệp được đánh giá nội bộ; học sinh, sinh viên do các cơ sở giáo dục phụ trách; người dân có thể tham gia qua lớp học cộng đồng hoặc ứng dụng VNeID. Sau khi hoàn thành đánh giá, người học được cấp chứng nhận điện tử và xác nhận vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Với tỷ lệ lý thuyết 70% và thực hành 30%, bài kiểm tra được thiết kế theo ba mức độ: bài học, mô-đun thành phần và kỹ năng số cơ bản. Đây không chỉ là một bước đi về mặt quản lý nhà nước, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng xã hội số toàn diện, thu hẹp khoảng cách số và trao cho mỗi người dân hành trang cần thiết để chủ động thích ứng, học tập suốt đời và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Phong trào “Bình dân học vụ số” là bước tiến quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị và tinh thần đổi mới sáng tạo của chính quyền địa phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, đây còn là nhịp cầu kết nối mọi người dân đến với tri thức số, trang bị cho mỗi công dân những kỹ năng thiết yếu để hòa nhập, thích nghi và chủ động đóng góp trong một xã hội số toàn diện – nơi không ai bị bỏ lại phía sau.
Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ (Thanh Quyên)