Nghiệm thu đề tài “Điều tra, đánh giá mối tương quan giữa sự đa dạng sinh học và chế phẩm thâm canh trên ruộng lúa để làm cơ sở xây dựng phương pháp điều tra dịch hại”
Ngày 11/9/2012, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ đã tổ chức Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài “Điều tra, đánh giá mối tương quan giữa sự đa dạng sinh học và chế phẩm thâm canh trên ruộng lúa để làm cơ sở xây dựng phương pháp điều tra dịch hại” do TS.Lương Minh Châu – Viện Lúa ĐBSCL làm chủ nhiệm.
Tác giả đã tiến hành điều tra cơ bản hiện trạng
sản xuất cây trồng, chế độ thâm canh và nhận thức của nông dân về đa dạng sinh
học trên các cơ cấu sản xuất nền lúa trước khi thực hiện đề tài; xây dựng bản
đồ phân vùng hiện trạng cơ cấu sản xuất và chế độ thâm canh cùa từng vùng; điều
tra sự thay đổi đa dạng sinh học của thành phần côn trùng sâu hại và thiên địch
trong ruộng lúa ở các cơ cấu sản xuất và chế độ thâm canh khác nhau thông qua
thu nhập, định danh và đếm số lượng và phân tích mối tương quan giữa các thành
phần trong hệ sinh thái; đánh giá và so sánh các phương pháp điều tra các thành
phần, sự gây hại của côn trùng sâu hại và thiên địch trên lúa và xác định
phương pháp điều tra chuẩn và chuyển
giao phương pháp điều tra.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, diện tích đất
trồng lúa tại TP. Cần Thơ biến thiên từ 0,77 ha đến 1,8 ha/hộ và quy mô đất
trồng màu còn thấp chỉ có 500m2/hộ. Nông dân thường trồng giống lúa
Jasmine 85/IR 50404, sạ dày gần 200kg/ha, sử dụng rất nhiều loại nông dược với
3-5 lần thuốc trừ sâu/vụ, 3-4 lần thuốc trừ bệnh/vụ, 1-2 lần thuốc trừ cỏ và
phân bón lá/vụ. 43-73% nông dân phun thuốc khai hoang để diệt cỏ trên bờ mẫu, 5-9%
nông dân biết trồng hoa trên bờ. Bờ ruộng của nông dân khá lớn với chiều rộng
0,63-3,36m, thường có nhiều loài côn trùng và thiên địch đến trú ẩn trên cỏ
dại, chanh, dưa, cây ăn trái, rau cải. Phần lớn nông dân làm cỏ bằng bằng tay
(52-100%), đốt cỏ (33%), phun thuốc khai hoang (2,5-10%) trên bờ ruộng. Nhận
thức của nông dân về đa dạng sinh học của côn trùng và thiên địch hầu như chưa
có. Các tập quán canh tác lạc hậu của nông dân đã làm suy giảm đa dạng sinh học
như thu nhỏ bờ mương, làm sạch cỏ bờ với thuốc cỏ, đốt đồng sạ chay, phun thuốc
trừ sâu quá nhiều lần. Bản đồ hiện trạng sản xuất cây ăn quả lâu năm của thành phố
chiếm diện tích lớn nhất, khoảng 29,6%, tiếp theo là diện tích đất sản xuất lúa
hai vụ và ba vụ, tương đương 29% cho mỗi loại. Thu thập côn trùng gây hại và
thiên địch trên 5 cơ sở sản xuất lúa ở Cần Thơ qua 3 vụ Đông Xuân, Hè Thu và Thu
Đông đã định danh được 141 loài thuộc 82 họ, 15 bộ. Trong đó, có 7 bộ chiếm đa
số, bộ Hymenoptera (bộ cánh màng) đa dạng nhất với 35 loài chiếm 24,8% tổng số
loài của vùng nghiên cứu, kế đến là bộ Diptera (bộ 2 cánh) với 25 loài, chiếm
17,7%, bộ Aranaea (bộ nhện lớn) với 17 loài, chiếm 12,1%, bộ Hemiptera (bộ cánh
nửa cứng) với 14 loài, chiếm 9,9%, bộ Coleoptera (bộ cánh cứng) có 13 loài,
chiếm 9,2%, bộ Homoptera (bộ cánh đều) và bộ Lepidotera (bộ cánh vẩy) đều có 11
loài, chiếm 11,8%,…Tất cả các chỉ tiêu về đa dạng sinh học đều bị giảm với số
lần phun thuốc trừ sâu và trừ bệnh. Vùng sản xuất lúa-cá; sản xuất lúa-màu ở Đông Hiệp và Xuân Thắng có
mật độ sạ, liều lượng phâm đạm và số lần phun thuốc trừ sâu bệnh cao hơn các
vùng khác. Đặc biệt tại các điểm lấy mẫu ở Đông Hiệp và Thới An có số lần phun
thuốc trừ sâu cao nhất (3,0-4,5 lần/vụ) cho nên các chỉ tiêu đa dạng sinh học
đều giảm tại hai vùng nói trên do tác động của thuốc trừ sâu. Nhóm côn trùng
không có vai trò trên ruộng lúa có hai loài phổ biến ở Cần Thơ là muỗi Chironomus
sp và ruồi Psilopa mentata phát triển mạnh tại vùng sản xuất ba vụ lúa, lúa-cá.
Nhóm sâu hại vẫn là rầy nâu, sâu cuốn là, bù lạch và sâu phao xuất hiện trên
tất cả cơ cấu, nhiều nhất tại vùng lúa –cá. Nhóm sinh vật bắt mồi phát triển
nhiều tại vùng sản xuất lúa-cá. Nhóm ký sinh bị ảnh hưởng thuốc trừ sâu nên sản
xuất thấp 1-5% trên mọi cơ cấu. Nhóm vi sinh vật gây bệnh xuất hiện nhiều vào
các tháng 1, 4, 5, 7 và 8/2010.