Giáo dục và khoa học công nghệ phải chuyển mạnh sang đáp ứng nhu cầu xã hội
Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) sẽ xem xét và dự kiến sẽ ban hành Nghị quyết về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo và Phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
GS. Nguyễn Xuân
Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
Ảnh: VGP/Từ Lương
Để làm rõ những căn cứ
khoa học và thực tiễn về sự cần thiết phải tập trung phát triển giáo dục-đào
tạo (GDĐT) và khoa học công nghệ (KHCN)trong giai đoạn hiện nay, GS. Nguyễn
Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã
dành cho phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ cuộc trao đổi về vấn đề này.
Thưa Giáo sư, với tư cách là người
đứng đầu cơ quan nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, Giáo sư có thể cho biết
những luận cứ khoa học của việc Trung ương đã chọn thời điểm này để xem xét 2 đề
án về Đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐT và Phát triển KHCN?
GS. Nguyễn Xuân Thắng:
Như chúng ta đã biết Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII) ra đời đã 16
năm, trong đó bàn hai nội dung rất quan trọng về GDĐT và KHCN. Trong 16 năm qua,
chúng ta có thể thấy KHCN và GDĐT có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh
tế đất nước. Nhưng điều quan trọng nhất tại thời điểm hiện nay chúng ta có đủ
thời gian để nhìn nhận lại Nghị quyết, tổng kết Nghị quyết Trung ương
2 (khóa VIII), trên cơ sở đó nhìn thấy được thành tựu cũng như các vấn đề của
KHCN và GDĐT, để đưa ra những nội dung, những yêu cầu, định hướng, những giải pháp
mới, nhằm phát triển KHCN và GDĐT trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện nhiệm vụ mà
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng đã thông qua, đất nước ta
đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, chuyển từ tăng trưởng theo
chiều rộng (phụ thuộc vào 2 yếu tố đầu vào là vốn và đất đai) sang kết hợp tăng
trưởng theo chiều rộng và chiều sâu (nâng cao vai trò của nguồn nhân lực
chất lượng cao và hàm lượng chất xám trong KHCN). Muốn vậy, chúng ta phải
có một nền kinh tế chất lượng, hiệu quả có khả năng cạnh tranh. Do đó, hai
thành tố chủ lực quan trọng của giai đoạn phát triển mới chính là KHCN và nguồn
nhân lực chất lượng cao.
Vì vậy, từ yêu cầu của công cuộc phát
triển, từ việc cụ thể hóa triển khai Nghị quyết Đại hội XI thì thời điểm hiện
nay là thích hợp để Hội nghị Trung ương 6 bàn và thông qua Nghị quyết về Đổi mới
toàn diện và cơ bản GDĐT cũng như phát triển KHCN phục vụ công nghiệp hóa, hiện
đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Giáo sư có thể chia sẻ về những
điều ông tâm đắc đối với hai Đề án trình Hội nghị lần này?
GS. Nguyễn Xuân Thắng: Với
2 Đề án này, tôi có rất nhiều điều tâm đắc. Đó là việc chuyển từ phương thức
đào tạo nặng về trang bị kiến thức, thậm chí gây quá tải sang hướng giáo dục
nhằm vào trọng tâm là hình thành và phát triển nhân cách, phẩm chất con người.
Trong khoa học trước hết phải khẳng
định được vai trò của KHCN trong yêu cầu của công cuộc phát triển đất nước. Đề
án đã tìm ra điểm mấu chốt để tháo gỡ khó khăn cho KHCN phát triển chính là cơ
chế chính sách để KHCN và GDĐT phát huy quyền tự chịu trách nhiệm, có cơ chế
đặt hàng đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các cơ quan cấp trên, từ nhu cầu nội
tại của doanh nghiệp, của các ngành, các đơn vị...
Đề án cũng nêu yêu cầu sắp xếp lại để
tránh sự phát triển tràn lan, tùy tiện của các tổ chức KHCN, đánh đồng tổ chức
KHCN đảm nhận các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao với các tổ chức KHCN danh nghĩa
huy động các nguồn lực khác, nhưng thực tế lại khai thác ngân sách nhà nước.
Cách làm này là không thể chấp nhận được. Bởi ngân sách Nhà nước chỉ được chi
khi thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao.
Trên cơ sở mở rộng quyền tự chủ thì
các tổ chức KHCN cũng phải khai thác các nguồn lực bên ngoài có thể là từ các
dự án, chương trình, từ đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp. GDĐT và nghiên cứu KHCN
phải chuyển mạnh sang đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tôi rất mong muốn đề án này phải làm
rõ thêm một điểm đó là không phải chỉ phát triển GDĐT và KHCN khu vực công lập
mà phải huy động mọi chủ thể và cả hệ thống chính trị, trong đó có cả nhà nước và
tư nhân, doanh nghiệp,... cùng chia sẻ, ủng hộ, có trách nhiệm và tạo điều kiện
thuận lợi để nền KHCN và ngành GDĐT phát triển tốt nhất.
Theo ông cần phải có chính sách
mạnh mẽ nào để GDĐT và KHCN thực sự trở thành động lực phát triển của đất nước?
GS. Nguyễn Xuân Thắng:
Quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII) là KHCN
và GDĐT phải trở thành quốc sách hàng đầu, theo tôi, hiện nay vẫn còn nguyên
giá trị. Nghị quyết đã nhấn mạnh đến vai trò của KHCN và GDĐT trong công cuộc
đổi mới và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế, việc này phải được cụ
thể hóa trong chủ chương chính sách, biện pháp cụ thể cho KHCN và GDĐT.
Tôi muốn nhấn mạnh là, trước hết phải
làm rõ được nhận thức trên quan điểm GDĐT và KHCN phải là quốc sách hàng đầu.
Các quốc gia trên thế giới đều chú trọng đến việc phát triển KHCN. Bởi lợi thế
cạnh tranh hiện nay của nhiều quốc gia đang thuộc về KHCN chứ không thuộc về
các yếu tố cầu thành đầu vào của sản xuất, mặc dù những yếu tố này hết sức quan
trọng như lao động, tài nguyên. Cần phải dùng trí tuệ và khoa học để tạo năng
suất tổng hợp, để có sức cạnh tranh tốt hơn.
Con người phải được đào tạo một cách
có hệ thống, bài bản ở các cấp học từ cấp mầm non, tiểu học, trung học và đại
học, tránh quá tải và không tạo ra sự thay đổi trong nội dung và chương trình
đào tạo. Ở nước ngoài người ta chú ý phát hiện, chọn lựa những khâu tạo ra sự
đột phá trong phát triển hệ thống GDĐT để nhằm tạo ra những con người đáp ứng
được yêu cầu không chỉ cho hôm nay mà cả cho mai sau.