Tập trung xây dựng một số tổ chức KH&CN công lập trọng điểm
Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực khác cho KH&CN như doanh nghiệp nhà nước, tư nhân; tập trung xây dựng một số tổ chức KH&CN công lập trọng điểm thuộc Bộ NN&PTNT… là những kiến nghị của Bộ NN&PTNT về cơ chế, chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực trong việc ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới.
Nông nghiệp có vị trí hết
sức quan trọng trong sự phát triển KT-XH của các tỉnh phía Bắc và đối với cả
nước như cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến
nông, lâm, thủy sản. Trong giai đoạn 2006-2010, Bộ NN&PTNT đã triển khai
thực hiện hàng trăm nhiệm vụ KH&CN cấp bộ tại các vùng sinh thái khác nhau,
với tổng kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học là 2.416 tỷ đồng. Đối với
vùng đồng bằng sông Hồng, các nhiệm vụ NC-PT KH&CN tập trung chủ yếu vào
công tác nghiên cứu chọn tạo giống, nhân giống, phát triển một số sản phẩm nông
nghiệp chủ lực như lúa thuần, lúa lai, đậu đỗ, cây có củ, cây rau, cây ăn quả…
Cụ thể, cả nước đã có 273 giống cây trồng được Bộ NN&PTNT công nhận chính
thức, trong đó có 97 giống cây trồng được công nhận chính thức gồm 28 giống
lúa, 10 giống ngô, 11 giống đậu đỗ… và 176 giống cây trồng các loại được công
nhận cho sản xuất thử. Đến nay 12 giống lúa thuần thích hợp cho vùng đồng bằng
sông Hồng đã cho năng suất và chất lượng gạo vượt trội. Ước tính diện tích
giống lúa mới được gieo trồng trong sản xuất ở các tỉnh phía Bắc khoảng 750.000
- 800.000ha/năm, năng suất tăng từ 10-15% so với giống cũ… Đánh giá một số kết
quả trong việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong thời gian qua, Thứ trưởng
Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định, đã có sự định hướng đúng và đầu
tư có trọng điểm cho công tác nghiên cứu khoa học qua đó có nhiều thành tựu phục
vụ sản sản xuất các sản phẩm chủ lực của vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là
các sản phẩm về giống cây trồng, giống vật nuôi góp phần nâng cao năng suất,
chất lượng, sản lượng và giá trị nông nghiệp của vùng.
Trên cơ sở định hướng
nghiên cứu đối với các sản phẩm chủ lực, hàng năm Bộ NN&PTNT tổ chức xác
định và đặt hàng các sản phẩm chủ lực của vùng đồng bằng sông Hồng cho các tổ
chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Theo đó, định
hướng của Bộ sẽ tập trung nghiên cứu cơ bản có định hướng, nghiên cứu ứng dụng
CNSH cho công tác chọn tạo giống, nhân giống và thâm canh giống cây trồng đối
với các sản phẩm chủ lực như lúa, ngô, đậu đỗ, cây rau, hoa, cây ăn quả. Trong
lĩnh vực chăn nuôi, nghiên cứu và áp dụng các kỹ thuật sinh học, nhất là kỹ thuật
về sinh sản; chọn lọc, lai tạo các giống vật nuôi chủ lực cho năng suất, chất
lượng và hiệu quả kinh tế cao hay nghiên cứu áp dụng công nghệ nuôi thâm canh,
siêu thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng
và bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm thủy sản, đặc biệt là cá rô phi đơn tính,
tôm sú…
Mặc dù đã đạt được những
kết quả nhất định, kinh phí đầu tư và trình độ KH&CN đã được nâng lên một
bước so với giai đoạn trước đây, nhưng vẫn phải khẳng định rằng việc ứng dụng
KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu phục
vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực cho vùng. Ngoài ra, chưa có sự liên kết chặt
chẽ giữa các tổ chức KH&CN và khuyến nông với các doanh nghiệp trong việc
nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thị trường
KH&CN chậm phát triển, hoạt động mua bán, chuyển giao công nghệ còn hạn chế…
Đã đến lúc cần phải có
chính sách khuyến khích, tạo điều kiện các đơn vị nghiên cứu thành lập doanh
nghiệp, cũng như doanh nghiệp thành lập các đơn vị nghiên cứu; tạo điều kiện để
doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ cho chính doanh nghiệp
của mình; đổi mới cơ chế quản lý nhân lực KH&CN theo hướng tạo lập thị
trường lao động hoạt động KH&CN.