Huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học – công nghệ
Chính phủ cho rằng trong điều kiện hiện nay mức đầu tư tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học – công nghệ (KH&CN) là hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của Nhà nước. Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là huy động tối đa nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (chủ yếu là từ doanh nghiệp) cho phát triển KH&CN.
Ảnh minh họa
Từ năm 2000, Quốc hội đã quyết định
dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho KH&CN (bao gồm ngân sách
sự nghiệp khoa học và ngân sách đầu tư phát triển). Tuy nhiên, Bộ KH&CN cho
rằng, mức đầu tư 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm là quá thấp,
chưa tương xứng với vai trò quốc sách hàng đầu của sự phát triển KH&CN,
không đáp ứng yêu cầu KH&CN là động lực then chốt cho phát triển nhanh và bền
vững đất nước.
Thêm nữa, Bộ KH&CN là cơ quan chịu
trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về việc sử dụng có hiệu quả 2% tổng chi
ngân sách dành cho KH&CN, nhưng lại chưa có vai trò tương xứng trong quá
trình phân bổ phần kinh phí đầu tư phát triển (ngân sách đầu tư phát triển khoa
học và công nghệ chiếm 40-44% ngân sách KH&CN hàng năm). Cho đến nay phần kinh
phí này vẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, dẫn đến chỗ Bộ KH&CN không
thể kiểm tra, giám sát được tình hình sử dụng nguồn ngân sách này và không làm
rõ được trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, nhất là trong lúc chế độ báo cáo và
thống kê không được thực hiện nghiêm túc.
Một số Bộ, ngành, địa
phương đã sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng được nguồn này, tỷ lệ
sử dụng trung bình của các địa phương nhiều năm qua chỉ khoảng 30%, có địa
phương dưới 10%. Việc xây dựng dự toán ngân sách và thẩm quyền quyết định
phương án phân bổ, cấp phát kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm
của Nhà nước cho các nhiệm vụ KH&CN cũng có nhiều bất cập.
Trong Tờ trình Quốc hội Dự án Luật KH&CN
sửa đổi, Chính phủ nêu rõ trong điều kiện hiện nay mức đầu tư tối thiểu 2%
là hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của Nhà nước. Nhiệm vụ đặt ra trong
thời gian tới là ngoài việc huy động tối đa nguồn đầu tư ngoài ngân
sách nhà nước (chủ yếu là từ doanh nghiệp) cho phát triển KH&CN, cần phải
đổi mới việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một
cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong những giai đoạn tới, khi điều kiện cho phép
thì việc tăng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức 2% là cần thiết để thúc đẩy
hơn nữa tốc độ và chất lượng hoạt động KH&CN.
Với những lý do nêu trên, Chính phủ
kiến nghị quy định rõ trong Luật KH&CN (sửa đổi) việc duy trì mức chi tối
thiểu 2% từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN; xây dựng cơ chế hữu
hiệu để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động KH&CN;
quy định rõ vai trò, quyền hạn của Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính và Bộ Kế hoạch và
Đầu tư trong công tác xây dựng dự toán ngân sách và thẩm quyền quyết định phương
án phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm dành cho KH&CN (bao gồm cả kinh phí
đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ)…
Cũng nhằm khắc phục cơ bản tình trạng
đầu tư dàn trải, phân tán nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho KH&CN, nâng cao
tính trách nhiệm và hiệu quả đầu tư, một trong những giải pháp đổi mới đồng bộ
cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN là hoàn thiện và áp dụng rộng rãi chế
độ khoán chi cho các nhiệm vụ KH&CN đến sản phẩm cuối cùng.
Thế nhưng, do đặc thù của hoạt
động KH&CN, việc áp dụng chế độ khoán chi đến sản phẩm cuối cùng không thể
áp dụng máy móc đối với tất cả các nhiệm vụ KH&CN mà chỉ có thể áp dụng đối
với những trường hợp có đủ các điều kiện như: có các định mức kinh tế - kỹ
thuật; có chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm dự kiến; tính đầy đủ chi
phí đầu vào trên cơ sở thẩm định nội dung và tài chính cho việc thực hiện nhiệm
vụ; cam kết của bên nhận đặt hàng bảo đảm sản phẩm dự kiến sẽ đạt được các chỉ tiêu,
yêu cầu kỹ thuật đã được xác định và được bên đặt hàng thẩm định. Còn các nhiệm
vụ KH&CN khác vẫn áp dụng cơ chế khoán chi đối với những nội dung chi cho
hoạt động sáng tạo của người làm nhiệm vụ nghiên cứu.
Với tinh thần nêu trên, Chính phủ kiến
nghị Luật này chỉ quy định nguyên tắc chung và điều kiện áp dụng chế độ khoán
chi đối với nhiệm vụ KH&CN. Chính phủ sẽ có trách nhiệm quy định cụ thể và
hướng dẫn thi hành.
Thẩm tra dự thảo Luật trên, Ủy ban
KH,CN&MT của Quốc hội cho rằng, một trong những vướng mắc lớn, điểm tắc
nghẽn chủ yếu trong hoạt động KH&CN hiện nay chính là cơ chế tài chính. Vì
vậy, việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN cho phù hợp
với đặc thù của hoạt động KH&CN là rất cần thiết và cần phải khẳng định cơ
chế đổi mới này ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật KH&CN (sửa
đổi). Tuy nhiên, việc thay đổi cơ chế tài chính có liên quan đến các văn bản
pháp luật về tài chính, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước (đang được nghiên
cứu sửa đổi, bổ sung). Do đó, đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép quy định có
tính đột phá, đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN theo những quan điểm mới
trong Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội
nhập quốc tế” trình Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 6; đồng thời
đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này và có đề xuất cụ thể để
vừa bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật, nhưng thể hiện rõ cơ chế đặc
thù cho lĩnh vực KH&CN được coi là quốc sách.
Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy trong
nhiều năm vừa qua, nhìn chung chưa thực hiện được hết ngân sách nhà nước dành
cho KH&CN, cũng như chưa đánh giá được hiệu quả, chất lượng thực hiện ngân
sách. Nguyên nhân là do năng lực triển khai thực hiện đầu tư, trong đó có
nguyên nhân do tổ chức quản lý chưa tốt, phân bổ chưa đúng khả năng thực
hiện... Do đó, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng duy trì ngân sách cho KH&CN ở
mức 2% là hợp lý nhưng đề nghị cần tập trung đổi mới quản lý để phân bổ, sử
dụng ngân sách hiệu quả hơn. Ngoài ra dự thảo Luật cần quy định rõ hơn cơ chế kết
hợp sử dụng ngân sách và việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho
KH&CN theo hướng tăng tổng mức đầu tư xã hội cho KH&CN, trong đó nguồn
đầu tư ngoài ngân sách ngày càng chiếm ưu thế.
Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí
với nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển KH&CN được thể hiện tại
Điều 5 của dự thảo Luật, đồng thời đề nghị quy định rõ hơn trong dự thảo Luật
chính sách huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN, trách nhiệm của
Nhà nước và vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư cho KH&CN và ứng dụng đổi
mới công nghệ; quy định rõ hơn các lĩnh vực KH&CN cần ưu tiên đầu tư, như đầu
tư cho KH&CN trong lĩnh vực quản lý xã hội, bảo vệ tổ quốc, an ninh – quốc
phòng. Cũng cần thể hiện rõ chính sách của Nhà nước trong việc tạo điều kiện
thuận lợi tối đa cho hoạt động KH&CN, bảo đảm môi trường dân chủ trong
nghiên cứu khoa học, tạo môi trường để phát huy tài năng và sự sáng tạo của nhà
khoa học; quy định cụ thể các chính sách phát huy nhân lực, nhân tài cho KH&CN;
chính sách khuyến khích và hỗ trợ người dân sáng tạo và ứng dụng công nghệ.
Về đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN:
Dự thảo Luật cần quy định nguyên tắc đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển
KH&CN; tránh đầu tư dàn trải, bảo đảm hiệu quả đầu tư; ưu tiên tập trung
đầu tư cho các tổ chức KH&CN trọng điểm như phòng thí nghiệm trọng điểm
quốc gia… Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định nội hàm “đầu tư phát triển KH&CN”
để xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các Bộ có liên quan.
Về cơ chế điều tiết ngân
sách KH&CN phân bổ cho địa phương, bộ, ngành cho giai đoạn sau căn cứ vào
kết quả và hiệu quả sử dụng ngân sách của giai đoạn trước, Ủy ban KH,CN&MT
nhất trí với phương châm Chính phủ trình Quốc hội để có thể điều hành ngân sách
cho KH&CN trên cơ sở đánh giá khả năng và hiệu quả thực hiện. Tuy nhiên, cơ
chế này cần phải tương thích với Luật Ngân sách nhà nước và Luật Tổ chức Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hiện hành. Do đó, Ban soạn thảo cần có phương
án thể hiện hợp lý trình Quốc hội quyết định./.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (nthieu)