SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khu vực về quản lý rủi ro thiên tai

[18/11/2012 09:11]

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khu vực về quản lý rủi ro thiên tai”.

Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khu vực về quản lý rủi ro thiên tai”. Ảnh: Đỗ Thoa 

Hội nghị nhằm cung cấp thêm thông tin về kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong việc quản lý rủi ro thiên tai, phục vụ các vị đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai tại Kỳ họp thứ tư (10/2012) và thông qua vào Kỳ họp thứ năm (5/2013).

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ: Việt Nam là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của thiên tai. Chỉ tính riêng 10 năm trở gần đây (2001-2010) thiên tai đã làm chết và mất tích 9.500 người, thiệt hại về tài sản khoảng 1,5 tỷ USD. Các loại hình thiên tai xuất hiện ở Việt Nam chủ yếu là áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, lũ quét, lũ bùn đá, ngập lụt, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, động đất, rét đậm, rét hại, sương muối, sa mạc hóa.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: Việt Nam đã và đang phải đối phó với những biến đổi khí hậu phức tạp. Chỉ ngay trong năm nay, theo quy luật, cơn bão đầu tiên lẽ ra phải vào miền Bắc nhưng lại đổ bộ vào khu vực TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu. Cơn bão số 8 vừa qua theo quy luật phải vào miền Trung nhưng lại càn quét ở các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc bộ.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay, môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp cùng với việc thường xuyên quan tâm, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các nước. Bộ trưởng mong rằng Hội nghị này sẽ mang lại cái nhìn tổng hợp, giúp ích cho việc thảo luận, xem xét dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và những kinh nghiệm bổ ích trong công cuộc phòng, chống thiên tai.

Tại hội nghị, bà Louis Chamberlain, Giám đốc Quốc gia UNDP cho rằng, trong bối cảnh dự thảo Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đang được đưa ra xem xét tại Việt Nam, cuộc đối thoại này diễn ra rất kịp thời và có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, khi các rủi ro mới và những loại hình rủi ro thảm họa khó lường đã xuất hiện ở Việt Nam và có nguy cơ gây tổn hại tới những thành quả phát triển mà Việt Nam đã dày công đạt được những năm qua.

Trong 2 thập niên vừa qua, từ 1990-2011, cứ mỗi năm trung bình có 440 người ở Việt Nam tử vong do thảm họa. Mặc dù tỷ lệ tử vong đang giảm đi nhưng thiệt hại về kinh tế lại tăng lên. Đáng chú ý, theo bà Louis Chamberlain, cộng đồng và các nhóm dễ bị tổn thương – chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng sâu vùng xa – lại bị ảnh hưởng nhiều nhất. Họ sinh sống ở các khu vực có nhiều rủi ro, thảm họa; có ít nguồn lực và khả năng ứng phó, phòng chống, khắc phục tác động của rủi ro, thảm họa. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp quan trọng để khắc phục các rủi ro, thảm họa; ban hành nhiều chương trình, chính sách để ứng phó với các nguy cơ này. Tiêu biểu như chương trình quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng và quan trọng nhất là việc xây dựng, xem xét thông qua luật đầu tiên về vấn đề này – bà Louis Chamberlain đánh giá.

Bà Louis Chamberlain cũng đưa ra 6 khuyến nghị liên quan đến dự thảo Luật này, bao gồm: Luật cần bao hàm các xu hướng về quản lý rủi ro thảm họa. Bên cạnh đó, xem xét một số cơ chế thể chế phù hợp để ứng phó các rủi ro thảm họa. Luật cần bao hàm tất cả các thành tố và giai đoạn của quản lý rủi ro thảm họa, từ giảm nhẹ và chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó tới khắc phục. Để triển khai hiệu quả, cần mở rộng vai trò, chức năng nhiệm vụ và tăng cường hơn nữa nguồn nhân lực cho các cơ quan phụ trách quản lý rủi ro thảm họa. Luật cần nêu rõ các tiêu chí và trách nhiệm để tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài để giúp đỡ khu vực bị ảnh hưởng; phát huy các cơ chế thể chế hiện tại để nhanh chóng kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế. Cuối cùng, cần thể chế hóa hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái và các tổ chức của họ trong quản lý thảm họa vì phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc huy động và điều phối sự hỗ trợ trong công tác nhân đạo, cần được tham gia tích cực.

Theo Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện có 6 nhóm vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm về nội dung dự thảo Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, gồm: Đối tượng điều chỉnh; nguyên tắc phòng, chống thiên tai; chính sách của Nhà nước; nguồn lực; hoạt động phòng chống thiên tai và tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe về dự án Luật phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; mô hình và bài học kinh nghiệm phòng chống thiên tai của một số quốc gia như: Băng-la-đét, In-đô-nê-xia, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, Mỹ. Hầu hết đại biểu đều đánh giá cao sự cần thiết phải ban hành Luật phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai bởi đây là cơ sở góp phần giúp Việt Nam quản lý thảm họa khi mà các rủi ro mới và những loại hình thiên tai đã xuất hiện ở Việt Nam và có nguy cơ gây tổn hại tới những thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu Quốc hội và nhóm chuyên gia quốc tế cũng đã trao đổi trực tiếp về một số vấn đề chính trong quản lý rủi ro thiên tai như: Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch dân cư vùng thường xuyên bị thiên tai; huy động, sử dụng nguồn lực tài chính trong quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ, cứu trợ quốc tế trong khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra…/.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ