Tổng kết 20 năm hình thành và phát triển các tổ chức KHCN ngoài công lập
Ngày 26.12.2012, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Vusta) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm hình thành và phát triển các tổ chức KHCN ngoài công lập.
Được thành lập năm 1992 với 6 thành
viên, đến nay, Vusta đã có gần 350 tổ chức KH&CN ngoài công lập, góp phần
tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động trong xã hội, góp phần tạo
sự bình đẳng giữa khu vực công lập và khu vực ngoài công lập, đồng thời hoạt
động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: phát triển cộng đồng, xóa đói giảm
nghèo, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao kỹ
năng thực hiện dự án, sử dụng và quản lý hiệu quả đất nông nghiệp, lâm nghiệp,
bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Theo GS Đặng Vũ Minh - Chủ
tịch Vusta, trong số các tổ chức KH&CN ngoài công lập trên toàn quốc, thì
số tổ chức KH&CN của Vusta là lớn nhất và hoạt động có hiệu quả nhất. Hiện
nay, hoạt động của mạng lưới các tổ chức KH&CN thuộc Vusta không chỉ tập
hợp các tổ chức trong hệ thống của mình mà còn phối hợp hoạt động với nhiều tổ
chức phi chính phủ.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng,
để công tác nghiên cứu khoa học đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội, cần thay đổi
cơ chế, cách thức quản lý, tránh kiểu hành chính hóa KH&CN, cần có cơ chế
đặc thù thu hút sự sáng tạo của các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học có
các công trình nghiên cứu mới. Bên cạnh việc huy động tốt các nhà khoa
học lão thành, có nhiều kinh nghiệm, cần có cơ chế thu hút các nhà khoa học
trẻ, có cơ chế sử dụng phù hợp với vùng miền, địa phương. Nhiều đại biểu đại diện
cho các tổ chức KH&CN ở một số địa phương cho biết, việc thành lập các tổ
chức KH&CN ở các địa phương vẫn còn ít, khó tiếp cận với các nguồn lực của
Nhà nước, đặc biệt về tài chính, trong việc đăng ký, đấu thầu thực hiện những
nhiệm vụ do Nhà nước quản lý…
Theo TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC (nthieu)