Người Việt ở nước ngoài có nhiều bài đăng tạp chí quốc tế
Môi trường nghiên cứu ở Việt Nam khác xa so với các nước phát triển, vì thế con người làm việc tại môi trường trong nước khó có kết quả tốt để đăng trên tạp chí quốc tế.
Trong diễn đàn nói về chủ
đề "Tại sao người Việt Nam trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng
trên tạp chí nước ngoài", tiến sĩ Trần Văn Đô, cán bộ nghiên cứu tại Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hiện đang làm tại Viện nghiên cứu Lâm nghiệp và
Lâm sản Nhật Bản theo chương trình sau tiến sĩ cho rằng nguyên nhân là ở môi trường
làm việc.
"Khi người Việt Nam làm việc ở
nước ngoài, họ có khá nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí có tiếng thế
giới. Theo một nghiên cứu năm 2011, Việt Nam xếp thứ 67 trên 238 nuớc/vùng lãnh
thổ về số sách, báo xuất bản trong năm.
Nếu tính đầu người so với
Mỹ hay Nhật Bản, Việt Nam
ít hơn nhiều, còn khi so sánh với các nước đang phát triển khác, thì nước ta ở
vị trí cao hơn nhiều. Tuy nhiên, các bài báo xuất bản trên các tạp chí nước
ngoài chủ yếu là do những người mang quốc tịch Việt Nam đang làm việc trên các nước thế
giới viết. Khi chính họ về Việt Nam
công tác thì lại chẳng có bài báo nào đăng trên tạp chí quốc tế nữa.
Vậy vấn đề ở đâu?
Thứ nhất, môi
trường nghiên cứu ở nước ta khác xa các nước phát triển, vì vậy con người làm
việc tại môi trường Việt Nam
không đạt kết quả tốt để đăng báo nước ngoài.
Thứ hai, đó là bởi,
kinh phí của chúng ta hạn hẹp, ít tập trung vào nghiên cứu cơ bản - lĩnh vực mà
hầu hết các tạp chí uy tín thế giới chấp nhận bài để đăng.
Thứ ba, khoa học của Việt Nam là cơ chế
xin/cho. Muốn làm gì phải có đề cương, qua nhiều cửa khác nhau mới có kinh phí.
Đến khi có kinh phí rồi, khoản dành cho công trình nghiên cứu rất nhỏ. Như vậy
rất khó để có công trình chất lượng đăng báo.
Thứ tư, để đăng một
bài báo trên tạp chí thế giới rất khó. Trong khi, nếu ai đó có nghiên cứu được
đăng thì cũng chẳng đem lại tiếng tăm, lợi ích gì cho họ đối với vai trò khoa
học trong nước. Ví dụ khi một bài báo trên tạp chí quốc tế, nếu tính điểm để
phong phó giáo sư hay giáo sư thì cũng chỉ được tính gấp đôi một bài báo đăng
trong nước (lẽ tất nhiên là quá thấp, vì theo tôi công sức thực bỏ ra đăng một
bài trên tạp chí quốc tế phải bằng nhiều lần đăng một bài trong nước).
Bên cạnh đó, người có công
trình đăng trên tạp chí quốc tế cũng không được đãi ngộ gì khác. Ví dụ tại
Nhật, đơn vị tôi đang công tác, một cán bộ đăng bài với hệ số ảnh hưởng (Impact
Factor) > 3 sẽ được nghỉ phép 10 ngày kèm theo phần thưởng là 30% lương của
một tháng. Hay ví dụ khác, chỉ người nào có ba công trình trên tạp chí thế giới
mới được nộp hồ sơ xin dự án từ một số quỹ nhất định.
Theo tôi đây cũng là tình
trạng chung tồn tại đối với nhiều nước có nền kinh tế đang phát triển. Tôi tin
chắc rằng trong thời gian tới, cùng với nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và
toàn thể nhân dân thì những người làm khoa học sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa vào
phát triển đất nước. Không những vậy, thông qua công trình nghiên cứu chất lượng
cao của người Việt Nam đăng
trên các tạp chí thế giới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng sẽ
được nâng lên đáng kể.
Theo http://vnexpress.net (nthieu)