SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Không đọc được nghiên cứu quốc tế, làm sao phát triển?

[03/01/2013 21:01]

Việt Nam cần có các hành động thiết thực như mua bản quyền tải báo từ các tạp chí thế giới, tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước phát huy hết khả năng.
>> Người Việt ở nước ngoài có nhiều bài đăng tạp chí quốc tế
Trong diễn đàn "Tại sao người Việt Nam trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài", Trần Anh Sơn, giảng viên khoa Cơ khí, Đại học Bách Khoa TP HCM, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Đài Loan cho rằng, chưa cần đề cập đến việc tính điểm cho giáo sư, phó giáo sư, người đam mê nghiên cứu trong nước đang phải đối mặt với một vấn đền rất khó khăn đó là: "Bản quyền download (tải về) báo từ các tạp chí thế giới. Ông Sơn cho rằng các nhà khoa học ở trong nước cần tạo điều kiện để tải miễn phí các bài báo đăng trên tạp chí thế giới.

"Có một chân lý bất cứ người làm khoa học nào cũng biết, đó là "khoa học luôn có tính kế thừa và phát triển". Thế hệ sau thừa hưởng, phát huy và sáng tạo dựa trên những thành quả nghiên cứu đi trước. Điều này giúp định hướng đúng cho hướng nghiên cứu, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc rất nhiều. Nói một cách nôm na, khi cần tính toán trọng lực, chúng ta không cần phải ra vườn ngắm quả táo của Newton rơi, rồi tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn; thay vào đó, chúng ta chỉ cần áp dụng định luật và tính toán.

Nhà khoa học muốn nghiên cứu, sáng tạo cái mới hoặc muốn áp dụng một thành tựu khoa học, ít nhất họ phải được cập nhật đẩy đủ các thông tin khoa học liên quan, biết thế giới đang làm gì và đã giải quyết được gì, còn những khúc mắc gì? Từ đó mới có hướng nghiên cứu cho riêng mình, tránh hiện tượng nghiên cứu "lần mò" gây nhiều tốn kém, rồi đến khi công bố kết quả, có khi vô tình trùng với một nghiên cứu đã có sẵn trước đó trên thế giới.

Ở nước ta, việc cập nhật các bài báo khoa học, công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới đang vướng phải khó khăn. Đó chính là vấn đề bản quyền của các bài báo. Hầu hết các bài báo khoa học đều phải trả phí để được tải về.

Một bài báo tham khảo có giá trung bình từ vài đến vài chục USD, trong khi một công trình nghiên cứu của nhà khoa học phải tham tham khảo từ rất nhiều bài báo. Nhẩm tính, mỗi nhà khoa học phải trả một khoản phí không nhỏ cho việc nghiên cứu của mình. Trong thời buổi bão giá, tất cả chúng ta đều phải lo chuyện cơm áo, gạo tiền, thì liệu đây có phải là một trong số các lý do làm giảm động lực nghiên cứu. Nên chăng, Nhà nước ta có chính sách hoặc nguồn quỹ hỗ trợ cho các nhà khoa học về vấn đề này.

Một số trường đại học trên thế giới đang hỗ trợ rất tốt việc trên. Nhà trường mua bản quyền và bất cứ ai truy cập từ địa chỉ IP của trường đều được miễn phí tải báo. Khi kết quả khoa học được công bố, đối tượng hưởng lợi thứ hai (sau nhà khoa học) chính là nhà trường. Bằng chứng là một trong các chỉ tiêu xếp hạng trường đại học trên thế giới là có các công trình khoa học được công bố.

Theo tôi, để trả lời câu hỏi: “Tại sao nhà khoa học làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài?", thì nhà nước ta cần có các hành động thiết thực, ví dụ như mua bản quyền tải báo từ các tạp chí thế giới. Điều này giúp tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước phát huy hết khả năng, phục vụ cho việc phát triển nền khoa học nước nhà.

Theo http://vnexpress.net (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ