SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

KH&CN: Cơ sở xây dựng nông thôn mới

[17/01/2013 08:30]

Những năm qua, khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn, tạo giống mới, cải tiến phương thức canh tác đã góp phần nâng hàm lượng KH-CN tăng dần trong sản xuất hàng hóa.

Những thành tựu mọi mặt 

Về giống cây trồng: Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học trong công tác chọn giống, hiện nay cơ cấu giống cây trồng của Việt Nam đã được chuyển đổi theo hướng sử dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Tỷ lệ sử dụng các giống mới đạt cao nhất ở cây lúa, ngô và rau với trên 60% diện tích gieo trồng. Các loại cây trồng khác tỷ lệ sử dụng giống mới đều chiếm khoản 30-40% diện tích.

Về chăn nuôi: Nhờ tiến bộ của KH&CN, nhiều giống gia súc địa phương như bò vàng, gà Mông, lợn Móng Cái đã được phục tráng, phát triển, tạo nên những sản phẩm hàng hóa đặc sản, giá trị cao được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước quan tâm.

Ảnh minh họa

Về nuôi trồng thủy sản: Nhiều giống tôm, cá mới được nghiên cứu, đưa vào nuôi trồng theo phương thức sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đặc biệt việc chuyển giao công nghệ về giống, nuôi thả, thức ăn và công nghệ chế biến thủy hải sản với cá da trơn và tôm đông lạnh đã trở thành yếu tố quyết định đảm bảo lợi thế cạnh tranh của tôm, cá xuất khẩu ở thị trường Mỹ và EU. Gía trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng nhanh, từ 47,4 triệu/ha năm 1995, năm 2011 đã đạt 135,2 triệu/ha.

Nhiều giống cây lâm nghiệp có giá trị đã được chọn tạo. Kỹ thuật nhân giống vô tính như kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào, kỹ thuật giâm cành đã cung cấp hàng triệu cây trồng chất lượng cao phục vụ cho công tác phát triển rừng hàng hóa, làm phong phú thêm nguyên liệu cho nhà máy và cho thương mại.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiêp cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là trong khâu làm đất, tưới, thu hoạch, sấy lúa, tuốt lúa, xay xát… tăng mạnh so với trước đây, nhất là vùng ĐBSCL. Việc sử dụng cơ giới hoá trong các khâu sản xuất không những đã giảm sức lao động, chi phí sản xuất cho bà con nông dân mà qua đó đã nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Cần giải pháp đồng bộ

Hạn chế lớn nhất được đánh giá trong chuỗi sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay là chế biến sau thu hoạch. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thất thoát sau thu hoạch với lúa từ 11-13%, ngô 13-15% chưa kể sự suy giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình bảo quản cũng làm giảm giá thương phẩm  20-25%. Ngành thủy sản và rau quả tổn thất 20-25% về sản phẩm và chất lượng.

Bên cạnh đó, nền sản suất nông nghiệp về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ, manh mún, chưa huy hoạch được những vùng sản xuất tập trung để đầu tư thâm canh theo chiều sâu. Vì vậy, dù có lợi thế của một nền nông nghiệp nhiệt đới, sản phẩm phong phú đa dạng nhưng khối lượng của từng chủng loại còn ít, chất lượng sản phẩm chưa cao, năng lực cạnh tranh còn hạn chế .

Chất lượng lao động ở nông thôn Việt Nam cũng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân vẫn còn hạn chế.

Đây là những hạn chế lớn cần được khắc phục để công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả hơn. Vì vậy để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cần có nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh đền khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học trong công tác chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, kể cả giống có ưu thế lai, đặt cơ sở cho việc áp dụng các giống chuyển gene, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa; mở rộng cánh đồng mẫu lớn; huy động doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đầu tư xây dựng thêm hệ thống sấy lúa, kho chứa để thu mua, tồn trữ lúa, nhất là trong giai đoạn thu hoạch rộ nhằm góp phần khắc phục tình trạng được mùa mất giá, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ