Cởi “nút thắt” tài chính cho khoa học
Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân cho biết năm 2013 sẽ thí điểm thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng với đề tài, dự án của các nhà khoa học. Đây là biện pháp cơ bản nhằm tháo gỡ “nút thắt”, giúp nhà khoa học thoát cảnh nói dối, biến báo hóa đơn, chứng từ mỗi khi kết thúc đề tài.
“Để nhà khoa học
bớt nói dối”
Bộ trưởng Nguyễn Quân nói:
Trước đây, cơ chế tài
chính dẫn đến việc các nhà khoa học phải mất quá nhiều thời gian cho việc làm
hóa đơn, chứng từ. Nay các nhà khoa học, khi nộp kết quả cuối cùng đáp ứng các
tiêu chí, yêu cầu của đề tài, dự án thì toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa
đơn chứng từ sẽ không cần thiết nữa.
Cụ thể một đề tài, dự án
nghiên cứu khoa học được hội đồng thẩm định đánh giá, trình lên cơ quan quản
lý, nếu được phê duyệt, kinh phí thực hiện sẽ khoán cho các nhà khoa học. Và họ
phải tự chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý về việc sử dụng ngân sách nhà
nước.
Các nhà khoa học của Viện
Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật đang nghiên cứu về một loài ong. Ảnh: Minh
Cường.
Khi sản phẩm hoàn thành sẽ
có một hội đồng thẩm định đánh giá sản phẩm đáp ứng các tiêu chí như cam kết
ban đầu hay không? Nếu sản phẩm đáp ứng được coi như nhà khoa học hoàn thành
nhiệm vụ. Như thế, không mất nhiều thời gian cho công việc thanh quyết toán.
Nhà nước cũng sẽ mua sản
phẩm khoa học công nghệ theo giá thỏa thuận. Nhà khoa học, không cần phải có
một hệ thống hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay. Đây là một phương thức làm
khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế, được hầu hết các quốc gia làm theo.
Ba đối tượng đầu
tiên được ưu tiên
Bên cạnh việc tháo gỡ
nút thắt cơ chế tài chính, sắp tới sẽ có thêm chính sách gì, thưa ông?
Chúng tôi sẽ đề xuất xây
dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đặc thù với các nhà khoa học, trước mắt tập
trung vào ba đối tượng gồm các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được
Chính phủ giao nhiệm vụ quốc gia và các nhà khoa học trẻ có tài năng.
Với các đối tượng này sẽ
không ưu đãi bằng chế độ tiền lương mà ưu đãi bằng môi trường làm việc tốt nhất
như được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, được tự chủ một
nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, được tự thỏa thuận mức lương dành cho
những người cùng làm việc, chủ động trong việc tham dự các hội nghị hội thảo
quốc tế, được mua sách báo tài liệu, mua thiết kế, bí quyết công nghệ bằng ngân
sách nhà nước.
Vậy bao giờ các chính
sách này sẽ được thực hiện trong thực tế, thưa Bộ trưởng?
Điều này phụ thuộc vào
việc Luật Khoa học & Công nghệ sửa đổi được QH thông qua để làm căn cứ pháp
lý. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ xây dựng các nghị định của Chính phủ, các thông
tư hướng dẫn của Bộ KH&CN hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho các trường
hợp đặc thù.
Cảm ơn Bộ trưởng.