SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ nông thôn miền núi: Hiệu quả không chỉ bằng tiền

[02/02/2013 20:59]

Sau hai năm triển khai chương trình "Hỗ trợ, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi 2011-2015" (Chương trình Nông thôn miền núi) do Bộ KHCN thực hiện, đã có 278 dự án được phê duyệt và đang triển khai. Nhiều dự án đã phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế; hình thành các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương.

Một dự án trồng hoa được thực hiện

tại Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội. 

Ảnh: Phương Hoàn

Cầu nối giữa nghiên cứu với đời sống

Thứ trưởng Bộ KHCN Nghiêm Vũ Khải cho biết, các dự án chủ yếu tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề: chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân; ứng dụng công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình do nông dân làm chủ, phát triển các công nghệ được chuyển giao và phát triển kinh tế địa phương bằng KHCN. Đến nay, đã có 27 dự án do doanh nghiệp chủ trì mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và 99 doanh nghiệp cải tiến công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại. Qua đó, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN đã nâng cao rõ rệt và tạo điều kiện cho người dân vùng dự án được thụ hưởng thành quả.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ nhiệm HTX Hoa cây cảnh Thụy Hương, Chương Mỹ (Hà Nội), chia sẻ: Nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp, Ban quản trị cùng với cán bộ kỹ thuật của HTX đã quyết định xây dựng dự án "Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất hoa tại xã nông thôn mới Thụy Hương, Chương Mỹ (Hà Nội)". Với dự án này, HTX đã được tiếp nhận những tiến bộ khoa học mới nhất trong lĩnh vực sản xuất hoa, cây cảnh, như trồng hoa trong nhà lưới hiện đại dành cho các loại có giá trị kinh tế cao.

Ông Thiệu Thanh Huy, nông dân tham gia dự án sản xuất mía giống tại Bình Định cho biết: "Nhà tôi trồng mía khoảng 10 năm nay với 1ha/năm. Trước đây gia đình tôi trồng giống mía cũ là R579, năng suất bình quân cao nhất chỉ đạt 70-80 tấn/ha. Vụ mía 2011 là điển hình khi có ruộng chỉ đạt 50-60 tấn/ha do giống mía thoái hóa, nhiễm nhiều sâu, bệnh, cộng thêm nắng hạn kéo dài, mía bị khô đầu lá nên năng suất giảm, hiệu quả kinh tế không đạt. Qua việc tham gia dự án, tôi cùng các hộ dân khác được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật tại ruộng, được tiếp cận giống mía mới, kỹ thuật canh tác mía hàng đôi, dùng chất vi sinh xử lý đất trồng mía... Hiệu quả đã tăng lên rõ rệt, quan trọng hơn, từ đó giúp cho người dân nhận thức được việc trồng thâm canh và áp dụng khoa học kỹ thuật, góp phần tăng năng suất mía trên một đơn vị diện tích".

Cần nhân rộng mô hình

Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, theo báo cáo của chương trình, hiện mới chỉ có 57% nhu cầu của các địa phương được đáp ứng. Các dự án đã và đang được thực hiện còn gặp nhiều khó khăn nên việc nhân rộng kết quả mô hình chưa được như mong đợi.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân nhận định, một trong những khâu hạn chế của chương trình Nông thôn miền núi là chưa nhân rộng được nhiều kết quả dự án sau khi nghiệm thu. Đây chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà chương trình cần phối hợp với các đơn vị có liên quan cùng tìm giải pháp hợp lý để giải quyết trong những năm tới.

Lý giải cho ý kiến này, ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KHCN Bắc Giang cho rằng: Địa bàn nông thôn miền núi có hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển và thiếu đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đa số dân cư còn thấp, trình độ dân trí và điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Nhiều tiến bộ kỹ thuật nông dân nghèo không có điều kiện tham gia. Đất đai trong vùng đa phần là đất dốc, nghèo kiệt dinh dưỡng và nhanh bị thoái hóa, việc sử dụng đòi hỏi phải có đầu tư lớn. Giao thông không thuận tiện, hàng hóa khó tiêu thụ. Hơn nữa, việc chưa khuyến khích được các tổ chức, các cơ quan nghiên cứu phổ biến khoa học vào địa bàn nông thôn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc chưa nhân rộng được những kết quả của dự án.

Ông Vũ Văn Họa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, thời gian triển khai của một số dự án còn chậm so với tiến độ đề ra. Việc lựa chọn công nghệ cũng như cơ quan chuyển giao công nghệ còn bất cập. Công nghệ lựa chọn nhiều khi chưa gắn liền với việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ quan chuyển giao chưa thật sự làm chủ công nghệ hoặc chưa làm hết trách nhiệm nên kết quả mang lại còn hạn chế. Bên cạnh đó là sự kết hợp chưa thường xuyên giữa cơ quan chuyển giao công nghệ và cơ quan chủ trì thực hiện.
Bên cạnh đề cập các hạn chế, một số điểm sáng về nâng cao hiệu quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người dân cũng đã được nêu ra như các giải pháp từ các địa phương như Cà Mau, An Giang, Bình Định... Trong đó có việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, có chế độ đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ quản lý KHCN địa phương...

Báo Hànộimới (H.O)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ