Khoa học công nghệ: “Có bột mới gột lên hồ”
Có dịp trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân, tôi mới cảm nhận hết những tâm huyết của ông với ngành khoa học. Tâm huyết đó bắt nguồn từ những trăn trở và kỳ vọng vào một sự đổi mới, đi lên của ngành, đặc biệt là trước nhu cầu của xã hội đối với KHCN.
Ông bảo, “KHCN được
coi là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá đất nước, nhưng để KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu là
chặng đường còn dài và gian nan, bởi vì người ta không nhìn thấy được cái bức
xúc của KHCN, như các lĩnh vực khác”…
KHCN: “Cứu cánh” cho
nền kinh tế
“KHCN là vấn đề sống còn
của quốc gia, điều này không hẳn vì tôi là Bộ trưởng mà bao biện, cổ xúy cho
vai trò của KHCN, hoặc đề cao nó một cách quá mức, mà thực sự đây là vấn đề cốt
tử, là bài học kinh nghiệm xương máu của tất cả các quốc gia nghèo khó đi lên
từ đống tro tàn của chiến tranh”, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã bắt đầu câu chuyện
với cánh phóng viên chúng tôi trong suốt hai tiếng đồng hồ như vậy.
Ông dẫn giải, từ Tổng
thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, và ngay cả ngài Lý Quang Diệu, cựu Tổng
thống Singapore đều khẳng định như thế. Đấy là những quốc gia nghèo hơn chúng
ta về tài nguyên thiên nhiên, nhưng họ đã đứng dậy từ đống tro tàn và chỉ sau
50, 60 năm họ đã trở thành cường quốc.
Với nhận thức như vậy và
nhìn lại quá trình phát triển đất nước, chúng ta tự hào trong 27 năm đổi mới,
kể từ năm 1986, chúng ta đã có 27 năm tăng trưởng rất ngoạn mục, với tốc độ
tăng trưởng bình quân 7-8% một năm. Tuy nhiên, đi vào bản chất trong tăng
trưởng những năm đó, chủ yếu dựa trên 3 yếu tố: tháo gỡ những cơ chế lạc hậu
của chế độ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nhân công giá rẻ và tài nguyên
thiên nhiên.
Nhưng đến nay cả 3 yếu tố
này đã không còn. Khi nước ta trở thành thành viên của WTO, để được các quốc
gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, các cơ chế cũ tiếp tục phải
thay đổi, không còn bao cấp, kể cả Nhà nước không thể bao cấp cho DN Nhà nước.
Nhân công giá rẻ cũng không còn là lợi thế, bởi vì chúng ta đã vượt qua ngưỡng
của một nước có thu nhập trung bình và gần đây các DN đã đổ xô đến Myanmar bởi nhân công giá rẻ của Myanmar đang
hấp dẫn hơn rất nhiều. Tài nguyên khoáng sản đang cạn kiệt, Chính phủ đã phải
ra lệnh cấm xuất khẩu các nguyên liệu thô như: Titan, boxit, và các loại quặng
kim loại khác, than bắt đầu phải nhập khẩu từ Indonesia…
Kinh nghiệm của tất cả các
quốc gia, ngay cả các chính khách khi đến thăm Việt Nam đều nói rằng đã đến lúc chúng
ta phải đặt KHCN lên cùng với giáo dục đào tạo, là cứu cánh cho nền kinh tế.
Điều này đã được Đảng và Nhà nước thể hiện qua Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8,
lần đầu KHCN và giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu. Hiện chúng ta đang sửa
đổi Hiến pháp và cũng đi theo hướng coi KHCN và giáo dục đào tạo là quốc sách
hàng đầu, đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện nhận thức tiến bộ của Đảng và Nhà
nước đối với vai trò của KHCN.
Ba cái “chưa”…
Nhưng để KHCN thực sự là
quốc sách hàng đầu là con đường dài và gian nan, vì số lượng những người trong
xã hội quan tâm thực sự không nhiều. Người dân cũng như cộng đồng DN hầu như
không quan tâm đầu tư cho phát triển KHCN, chủ yếu dựa vào Nhà nước. Bản thân
tiềm lực nội tại KHCN cũng còn rất yếu kém, đội ngũ cán bộ KHCN đông về số
lượng với 3,6 triệu người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, với 50.000 người làm
nghiên cứu chuyên nghiệp trong các viện nghiên cứu, với hơn 36.000 thạc sỹ,
18.000 tiến sỹ, hơn 10.000 GS, PGS, nhưng chất lượng chưa phải là cao.
Việt Nam gần như không có
công bố quốc tế, ít đến mức chúng ta coi gần như không có, mỗi năm chỉ có 1
hoặc 2 sáng chế được đăng ký tại Hoa Kỳ. Nhiều nhà khoa học cũng nói rằng công
bố quốc tế của Việt Nam trên các tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới không bằng
một trường đại học lớn của một nước láng giềng.
Viện Nghiên cứu và
phát triển Viettel
Chúng ta cũng chưa có nhà
khoa học nào được giải Nobel, chỉ có duy nhất một sự kiện vang dội đó là GS.
Ngô Bảo Châu lần đầu tiên được giải Fields, nhưng một trường đại học Hoa Kỳ có
khi có hàng chục người được giải Nobel và ngay cả các quốc gia lân cận cũng đã
bắt đầu lác đác có những khoa học được giải về Nobel, chưa kể những giải thưởng
quốc tế lớn khác.
Và Việt Nam chưa có sản phẩm nào mà thương hiệu của nó
được thế giới biết đến, để chỉ cần nhìn vào hoặc nghe tên người ta biết ngay đó
là sản phẩm của Việt Nam.
Ví dụ, nói Honda là của Nhật Bản, thậm chí nói nước mắm Phú Quốc, người ta cứ
tưởng của Thái Lan nhưng không biết đấy là của Việt Nam…
Nói như vậy để thấy đội
ngũ cán bộ khoa học có thể đông về số lượng nhưng thành tựu thì còn rất khiêm
tốn so với các nước. Việt Nam
phải phấn đấu rất kiên cường mới đuổi kịp được các nước top trên trong khu vực
như Thái Lan, Malaysia,
Indonesia, Philippines, Singapore. KHCN đang phát triển ở
mức rất khiêm tốn, trong khi đòi hỏi của nền kinh tế thì cao hơn rất nhiều, và
đến bây giờ có thể nói nếu không phát triển KHCN, chúng ta không tìm thấy con
đường nào khác để phát triển đất nước “không thể trông cậy vào tài nguyên thiên
nhiên, ngay cả những nước giàu tài nguyên như các nước Trung Đông có nhiều dầu
mỏ cũng không trở thành cường quốc được”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Đầu tư cho khoa học:
“Một vốn, bốn lời”
Theo Bộ trưởng Nguyễn
Quân, làm thế nào để KHCN phát triển là một bài toán khó Việt Nam đã sống quá
lâu trong thời bao cấp, dựa nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát
triển KHCN. Từ năm 2000, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, dành 2% tổng chi
Ngân sách nhà nước hàng năm (tương đương khoảng 0,5-0,6% GDP) cho KHCN. Đây là
tỷ lệ rất cao so với thế giới, Nhật Bản chỉ có 0,36% GDP quốc gia từ ngân sách
dành cho KHCN, Hoa Kỳ 0,4%, Hàn Quốc: 0,45% GDP…
Nhưng đứng ở góc độ tổng
đầu tư của xã hội cho KHCN, đây lại là con số rất thấp, vì Việt Nam không huy
động được sự đầu tư của xã hội, đặc biệt là của DN cho KHCN. Theo thống kê, thì
ngân sách nhà nước đầu tư xấp xỉ mỗi năm khoảng 700 triệu USD cho KHCN, thì xã
hội chủ yếu là DN đầu tư khoảng 300 triệu USD. Tổng đầu tư của chúng ta mới có
được hơn 1 tỷ USD cho KHCN, và nguồn đầu tư này là vô cùng bé nhỏ so với nhu
cầu của xã hội đối với KHCN, trong khi tại Nhật Bản có khoảng 150 tỷ USD dành
cho KHCN, Hàn Quốc hơn 50 tỷ USD…
Kinh nghiệm quốc tế cho
thấy, quốc gia nào có nền KHCN càng phát triển thì tỉ trọng đầu tư cho KHCN của
khu vực ngoài nhà nước so với NSNN càng lớn, ví dụ ở các nước phát triển như
châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản tỉ trọng này thường là 3:1 đến 4:1. Trung Quốc cũng
đã đạt được tỉ trọng 3:1 trong năm 2011. NSNN chỉ đảm bảo tài trợ cho các
nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phục vụ lợi ích chung của quốc gia.
Nếu chúng ta coi KHCN là
yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn sắp tới thì
đầu tư cho nó phải tương xứng, nếu chỉ đầu tư bình quân 10 USD/đầu người dân
cho khoa học, chắc chắn không bao giờ đuổi kịp các nước. Cả nước hiện có gần
600.000 DN, nếu tất cả DN đều trích 10% lợi nhuận trước thuế của họ cho KHCN,
thì sẽ có ngay được nguồn khoảng 13.500 tỷ đồng và như vậy chúng ta đã có nguồn
gấp đôi ngân sách nhà nước.
Gần đây, một số DN Việt Nam đã bắt đầu
quan tâm tới KHCN, đây là những tín hiệu đáng mừng. Ví dụ như Tập đoàn Viễn
thông Viettel năm 2010 đã thành lập một viện nghiên cứu và họ đã dành 10% lợi
nhuận trước thuế cho viện này, khoảng 120 triệu USD. Ngay lập tức Viettel đã có
những sản phẩm khoa học rất quan trọng, đó là có thể tự chế tạo được tổng đài
tương đương với các thiết bị nhập khẩu.
Năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hạ thủy thành công giàn
khoan tự nâng 90m nước đầu tiên do Việt Nam chế tạo. Tổng vốn đầu tư hơn
180 triệu USD, nhưng chỉ trong vòng hơn 2 năm sau khi khởi công vào tháng
6/2009, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo dàn khoan này
và lập tức trở thành một trong 10 quốc gia trên thế giới, và một trong 3 quốc
gia ở châu Á đủ năng lực chế tạo dàn khoan tự nâng 90m nước và 120m nước.
“Nói như thế để thấy khi
đầu tư cho công nghệ thì hiệu quả của nó đem lại cho đất nước rất lớn, tức là
bỏ ra một đồng đầu tư cho khoa học, có thể có được 5, 6 đồng lợi nhuận. Trong
bối cảnh khó khăn, DN nào quan tâm đến KHCN có thể đứng vững. Và đã đến lúc
KHCN không chỉ được nhìn nhận trong Nghị quyết của Đảng mà cần phải đi sâu vào
thực tế…”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định./.