Kỳ vọng của giới khoa học trong năm mới
Giới khoa học được "cởi trói" để tâm huyết hơn với nghiệp, đem công sức trí tuệ phục vụ đất nước, là một trong nhiều kỳ vọng của các nhà nghiên cứu năm Quý Tỵ.
Tiến sĩ Phạm Văn Tân (Phó Chủ tịch các Hội Khoa học và kỹ
thuật Việt Nam):
Hy vọng khoa học nước nhà sẽ có đột phá
Hội
nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa ban hành Nghị quyết số
20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội
nhập quốc tế. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu từ nay đến
2020 và tầm nhìn đến 2030. Tôi hy vọng nền khoa học và công nghệ nước nhà ngay
trong năm 2013 có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là có sự đột phá trong
đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò thực sự của khoa học và công nghệ đối với
sự phát triển bền vững đất nước cũng như sẽ có sự đổi mới mạnh mẽ, thực chất,
đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo động
lực thực sự cho khoa học và công nghệ phát triển. Có lẽ đây cũng là kỳ vọng của
đội ngũ cán bộ nhà khoa học của nước ta.
Hiện
nay, vấn đề vướng mắc nhất là khoa học và công nghệ nước ta đang thiếu động lực
thúc đẩy để phát triển. Thị trường khoa học và công nghệ còn đang trong giai
đoạn manh nha, phần lớn các doanh nghiệp không có động cơ đầu tư cho nghiên cứu
triển khai mà thích mua máy móc, thiết bị từ bên ngoài. Ngân sách nhà nước đã
đảm bảo đạt 2% chi ngân sách song có thể đầu tư còn dàn trải và chưa đúng địa
chỉ, huy động kinh phí cho khoa học và công nghệ mới chỉ đạt mức dưới 1% GDP,
nguồn nhân lực còn nhiều bất cập.
Tôi
hy vọng thời gian tới sẽ sớm hoàn thiện và ban hành Luật khoa học và công nghệ
mới, trong đó định hướng cụ thể để làm căn cứ nhanh chóng xây dựng các văn bản
quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động từ việc
xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ, phương thức triển khai thực hiện, việc
đánh giá, nghiệm thu và đưa kết quả, sản phẩm nghiên cứu vào ứng dụng trong
thực tiễn. Theo tôi cần phải coi các tổ chức khoa học và cá nhân các nhà khoa
học là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế
tài chính hiện hành với các thủ tục chứng từ làm mất quá nhiều thời gian không
cần thiết có vẻ như không khích lệ được động lực ham mê hoạt động nghiên cứu
triển khai của các tổ chức khoa học và cá nhân nhà khoa học.
Tiến sĩ Đặng Chí Hiền (Trưởng phòng Thí nghiệm Công nghệ Hóa
Dược phẩm, Viện Công nghệ hóa học): Chính sách mới tạo động lực cho giới khoa
học.
Hiện
nay khó khăn đầu tiên với nghiên cứu khoa học là trang thiết bị còn nghèo nàn.
Đối với lĩnh vực nghiên cứu hóa dược liên quan tới sức khoẻ con người nên thuốc
phải theo một tiêu chuẩn rất chặt chẽ, đòi hỏi hệ thống làm phản ứng phải đạt điều
kiện chuẩn hóa của nước ngoài. Ví dụ, muốn làm một phản ứng duy trì ở nhiệt độ
âm, bên nước ngoài có thiết bị duy trì nhiệt độ ở 0 - 8 độ C, có thể kéo dài
mấy chục tiếng đồng hồ. Nhưng ở nước ta thì không có dụng cụ thực hiện vì nó
quá đắt tiền. Vì thế, chúng tôi phải tự chế, mà tự chế chắc chắn sẽ không đạt
chuẩn, nên khi đòi hỏi đưa lên quy mô thử nghiệm rất khó khăn.
Thứ
hai, tôi thấy có nhiều chính sách đối với nhà khoa học chưa hợp lý. Thực hiện
nghiên cứu một đề tài phải hóa đơn, chứng từ rườm rà, thu nhập thì ít ỏi khiến
cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bước sang xuân mới, là một người làm công tác
nghiên cứu khoa học mong có những chính sách mới tạo động lực cho giới khoa học
được "cởi trói" để các nhà khoa học tâm huyết hơn với nghiệp, đem
công sức trí tuệ của mình phục vụ ích lợi cho đất nước.
Tiến sĩ Doãn Hà Thắng (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng & Chuyển
giao Công nghệ, Viện Vật lý): Cơ hội cho nhà khoa học thể hiện khả năng
2013
là năm khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, trong cái không may ấy lại có cơ hội để
các nhà khoa học bộc lộ hết khả năng của mình. Những năm gần đây, các tổ chức
quốc tế hỗ trợ tài chính cho khoa học luôn đòi hỏi các nhà khoa học hai điểm.
Thứ nhất là nghiên cứu của các nhà khoa học tác động như thế nào đến xã hội.
Thứ hai là khả năng thu hồi vốn của nghiên cứu này ra sao. Tương lai, khi làm
nghiên cứu khoa học chúng ta cũng phải trả lời được hai câu hỏi này.
Tôi
cho rằng, bên cạnh những định hướng đang triển khai, năm 2013 nên tập trung vào
ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao
vào nâng cao năng lực nguồn nhân lực. Đây là hai nguồn lực về điều kiện tự nhiên
và dân số Việt Nam
cần phải được chú trọng. Đầu năm mới, tôi cũng mong các nhà quản lý khoa học sẽ
có những định hướng tốt đẹp và thực tế cho khoa học Việt Nam.
Thạc sĩ Phẩm Minh Thu (Trưởng phòng Kiểm nghiệm Hóa lý Vi
sinh, Viện Pasteur, TP HCM): Mong thực phẩm an toàn hơn
Năm
ngoái là một năm nóng về vấn đề an toàn thực phẩm. Thực phẩm nhiễm vi sinh,
thực phẩm bẩn... vẫn từng ngày từng giờ trôi nổi trên thị trường. Vấn đề là
chúng ta cần làm mạnh tay hơn, triệt để hơn, sát sao hơn. Cần có những chuyến
"vi hành" kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm.
Rất nhiều đoàn, đơn vị đi kiểm tra, giám sát nhưng ngộ độc, thực phẩm nhiễm
khuẩn, nhiễm độc vẫn nhan nhản, thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh
vẫn nhởn nhơ.
Với
chúng tôi làm công tác kiểm định, xét nghiệm vi sinh hóa lý thì bất cập vẫn là
vấn đề thiết bị chưa cập nhật kịp với nhu cầu thực tế nên nhiều khi có vụ ngộ
độc xảy ra mà lúng túng mãi mà không áp dụng được để đi đầu trong việc phát
hiện và tìm giải pháp. Còn nhân lực đội ngũ cán bộ làm công tác còn nhiều hạn chế
chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế năng lực chuyên môn và yêu cầu sử dụng trang
thiết bị. Hy vọng năm mới chúng ta khắc phục được vấn nạn thực phẩm không an
toàn, và hơn bao giờ hết mong những nhà sản xuất cần có một lương tâm trong sản
xuất những sản phẩm trực tiếp liên quan tới sức khoẻ cộng đồng.