Góp phần xây dựng thương hiệu Việt
Từ ngày 5/02/2013, Thông tư liên tịch số 218/2012/TTLT-BTC-BKH&CN do Liên bộ Tài chính - KH&CN ban hành (quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020) có hiệu lực.
Cán bộ Trung tâm NC&PT lúa
(Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm)
phân tích, đánh giá chất lượng lúa
Một trong những điểm quan trọng nhất
của thông tư này là các sản phẩm quốc gia sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ ở
mức tối đa để hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu
Việt Nam.
Khâu nối các khâu
Chương trình phát triển sản phẩm quốc
gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
2441/QĐ-TTg với mục tiêu hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa mang
thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính
mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác lợi thế so sánh về nhân
lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước. Để thực hiện chương trình,
Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức xác
định, lựa chọn các sản phẩm quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê
duyệt. Đầu tháng 1 vừa qua, Bộ KH&CN đã tổ chức hội nghị công bố danh mục
sản phẩm quốc gia bao gồm 9 nhóm sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm chính thức và
3 sản phẩm dự bị. Đây là những sản phẩm được ưu tiên phát triển thuộc các lĩnh
vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, y tế,
quốc phòng an ninh.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ
KH&CN, chương trình này không những sẽ tạo sự gắn kết giữa lực lượng nghiên
cứu ở các viện nghiên cứu, trường học với các doanh nghiệp, mà quan trọng hơn
là tạo ra sự đột phá trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật quan
trọng, "làm bà đỡ" cho các ngành, nghề mới, sản phẩm mới có năng
suất, chất lượng sức sạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, mạnh của
nền kinh tế đất nước. Sau giai đoạn thiếu sự gắn kết giữa nghiên cứu công nghệ
mới, hoàn thiện công nghệ, đầu tư sản xuất sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm,
với chương trình này, lần đầu tiên, 4 khâu sẽ được khâu nối và sẽ tạo ra sự thu
hút, khai thác được nguồn lực lớn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, triển khai
từ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Để bảo đảm các mối khâu bền
chặt, Ban chỉ đạo, do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban, với sự
tham gia của các bộ, ngành và ban chủ nhiệm chương trình đã được thành lập.
Không còn mối lo kinh phí
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát
triển công nghệ được hỗ trợ tối đa đến 100% kinh phí từ nguồn ngân sách nhà
nước (NSNN) cho các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc dự
án của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Tại hội nghị
công bố danh mục sản phẩm quốc gia, ông Đỗ Văn Lộc, Giám đốc điều phối các
chương trình quốc gia, cho biết, nguồn tài chính thực hiện chương trình này sẽ
lấy từ NSNN (kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp khoa học và công
nghệ, kinh phí sự nghiệp kinh tế, vốn ODA, viện trợ của nước ngoài, vốn tín
dụng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại; kinh phí từ
các doanh nghiệp và từ các quỹ như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát
triển khoa học và công nghệ quốc gia…
Có nhiều mức hỗ trợ, như đối với hoạt
động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thì hỗ trợ tối đa đến 100%
kinh phí từ nguồn NSNN cho các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công
nghệ thuộc dự án. Còn đối với dự án sản xuất thử nghiệm, hỗ trợ theo dự án được
duyệt tối đa đến 50% tổng mức kinh phí đầu tư thực hiện dự án sản xuất thử
nghiệm phục vụ sản xuất sản phẩm quốc gia; tối đa đến 70% tổng mức kinh phí đầu
tư để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai
trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đối với dự án đầu tư sản
xuất sản phẩm quốc gia, hỗ trợ tối đa đến 50% công lao động theo dự án được cấp
có thẩm quyền phê duyệt cho cán bộ khoa học, nhân viên kỹ thuật trực tiếp thực
hiện nội dung nghiên cứu hoàn thiện các quy trình công nghệ, giải pháp khoa học
và công nghệ, xây dựng các phần mềm máy tính; thử nghiệm, phân tích, kiểm tra,
đánh giá chất lượng sản phẩm đến khi hoàn thành sản phẩm lô số không (sản xuất
thử nhằm hoàn thiện công nghệ, sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất, đời sống).
PGS,TS Trần Quốc Thắng, Chủ nhiệm
Chương trình cho biết, trong năm 2013, chương trình sẽ xác định cụ thể từng đề
tài, dự án trong 9 nhóm sản phẩm quốc gia, lựa chọn tổ chức, cá nhân chủ trì
thực hiện từng nhiệm vụ để từ đó xác định phương thức hỗ trợ phù hợp.
Việc triển khai chương trình phát
triển sản phẩm quốc gia rõ ràng đã mang lại động lực lớn cho các cán bộ nghiên
cứu. Không những thế, với việc lấy sản phẩm và doanh nghiệp làm trọng tâm để
thu hút và gắn kết các nguồn lực khoa học công nghệ cho việc phát triển sản
phẩm, phát triển doanh nghiệp còn thể hiện sự đổi mới quan trọng trong sự
nghiệp phát triển khoa học công nghệ nước nhà.
Sáu sản phẩm chính
thức gồm: Lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; thiết bị siêu trường,
siêu trọng; bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; động cơ sử dụng cho phương
tiện giao thông vận tải; vắc xin phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam;
sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng. Ba sản phẩm dự bị gồm: Cá da trơn Việt Nam chất lượng
cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn; nấm ăn và nấm dược liệu; vi mạch
điện tử.