Vốn xã hội cho phát triển KH&CN Việt Nam
Xét theo bất kỳ quan niệm nào về vốn xã hội, chúng ta đều khó có cái nhìn thật sự khả quan đối với cái “vốn xã hội” cho KH&CN ở nước ta trên vài khía cạnh của vốn xã hội mà tôi cảm thấy đáng quan tâm nhất. Đó là “mạng lưới bền vững”, “các chuẩn mực” và “sự hợp tác”.
Tóm lược một số
quan niệm về vốn xã hội
Chúng ta có thể dễ dàng
tìm kiếm trên mạng những nội dung khá phong phú về “Vốn xã hội”.
Khái niệm này hiện được nhiều lĩnh vực khoa học quan tâm, chẳng hạn, Chính trị
học (Political Science), Chính sách học (Policy Science), Xã hội học, Lý thuyết
phát triển, thậm chí Kinh tế học,... Tùy lúc mà vốn xã hội được bàn theo tiếp
cận nào. Trong bài này tôi xin được bàn về vốn xã hội theo hướng tiếp cận Chính
sách học, một lĩnh vực nghiên cứu được xem là nơi hội tụ của Chính trị học và
Xã hội học.
Khái niệm “vốn xã hội”
(social capital) được một nhà nghiên cứu người Mỹ, Lyda Judson Hanifan
(1879-1932), đề cập lần đầu tiên vào năm 1916 trong bài báo "The Rural
School and Rural Life". West
Virginia School
Journal [1].
Trong bài viết này,
Hanifan quan niệm vốn xã hội là “những thực thể hữu hình (tangible substance),
có tác dụng lên hầu hết hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của con người”.
Từ giữa thế kỷ XX đến nay, nghiên cứu về vốn xã hội được nhiều nhà nghiên cứu
tiếp tục quan tâm. Họ đã đưa ra những quan niệm rất đa dạng về “vốn xã hội”,
như tương tác xã hội (Jane Jacob, 1961); sự tin cậy (Cohen và Prusak, 2001); sự
hợp tác giữa các thành viên trong xã hội (Robert D. Putnam 1993; 2000); Nhà xã
hội học người Pháp Bourdieu [2] xem vốn xã hội là một mạng lưới xã hội bền vững
(réseau durable), ít nhiều được thiết chế hóa, bao gồm vốn kinh tế (capital
économique), vốn văn hóa (capital culturel), và vốn biểu tượng (capital
symbolique).
Năm 1990, nhà xã hội học
người Mỹ James Coleman [3] đưa ra một cách hiểu vốn xã hội bao gồm: các mạng
liên kết xã hội, các chuẩn mực (norms), và sự tin cậy trong xã hội (social
trust).
Năm 1995, nhà chính trị
học Robert Putnam [4] đã nhắc lại ý tưởng của Coleman và đưa ra quan niệm vốn xã hội là
“những phương tiện làm gia tăng hiệu quả hoạt động của cá nhân.
Còn nhà nghiên cứu chính
trị học người Mỹ gốc Nhật Francis Fukuyama [5] lại nhấn mạnh hơn đến yếu tố “chuẩn
mực xã hội”.
Qua phân tích ý kiến đa
dạng của các nhà nghiên cứu vừa nêu trên đây, chúng ta có thể hình dung, vốn xã
hội chính là mạng lưới liên kết giữa con người, nhưng không phải là con người
trong tập hợp những con người với tư cách là một nguồn lực hữu hình (tangible
resource), càng không phải là con người hữu hình tách biệt nhau trong xã hội,
mà là con người được kết tinh và hội tụ những giá trị tinh thần trong một mạng
lưới xã hội xác định, một truyền thống văn hóa cụ thể nào đó, những con người
hòa trong cộng đồng hình thành một thứ nguồn lực vô hình (intangible resource)
làm nên sức mạnh cho sự phát triển xã hội, trong đó có sự phát triển khoa học
và công nghệ (KH&CN).
Trong hoạt động KH&CN,
những nguồn lực vô hình này có thể kể tên được. Đó là mạng liên kết bền vững
giữa các nhà nghiên cứu, sự tin cậy trong hoạt động KH&CN, các chuẩn mực
đạo đức của cộng đồng KH&CN, các thang giá trị của KH&CN trong xã hội,
các quan hệ hợp tác trong hoạt động KH&CN, v.v...
Trong một dự án do EU tài
trợ, Giáo sư J. Annerstedt (Đan Mạch) đã cố gắng đưa ra một số chỉ báo để đánh
giá tài sản vô hình (vốn xã hội), và đã có một vài tọa đàm tại Viện Chiến lược
và Chính sách KH&CN thuộc Bộ KH&CN.
Vốn xã hội trong KH&CN
được xem xét trên ba cấp độ: (1) Cấp độ vi mô (micro-level, cá nhân), (2) Cấp
độ trung mô (meso-level, các nhóm xã hội), và (3) Cấp độ vĩ mô (macro-level,
quốc gia và quốc tế). Sự tương tác giữa các cấp độ, cụ thể là giữa các cá nhân
với các nhóm xã hội, với quốc gia và quốc tế sẽ làm cho vốn xã hội “giầu lên”
hoặc “nghèo đi”, và hệ quả tất yếu là sẽ làm cho nguồn vốn xã hội phát triển,
suy thoái hoặc cạn kiệt.
Xã hội càng kém phát
triển, bộ máy quản lý càng độc đoán quan liêu, bất bình đẳng xã hội càng lớn,
tham nhũng càng nghiêm trọng, vai trò lũng đoạn của các nhóm lợi ích trong xã
hội càng lớn lên, thì các yếu tố cấu thành nguồn vốn xã hội, như “lòng tin”,
“quan hệ hợp tác”, các “chuẩn mực” càng bị xói mòn và bị triệt phá đến suy
kiệt.
Vốn xã hội cho
phát triển KH&CN trong các xã hội
Chúng ta thường nghe nói
về thời đại của sự phát triển vũ bão về KH&CN, thời đại của công nghệ thông
tin, mạng toàn cầu, vật liệu mới, robot hóa,... Nhưng quan sát gần một thế kỷ
vừa qua, tính từ khi xuất hiện Liên Xô (1917) và khối các quốc gia xã hội chủ
nghĩa (XHCN), hầu như chúng ta chưa nghe thấy có một ngành khoa học mới nào
được khai sinh từ các quốc gia XHCN. Nói chính xác hơn, số lĩnh vực nghiên cứu
mới được hình thành từ khối các nước XHCN có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Chẳng hạn, Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, Chủ nghĩa xã hội khoa học,…
nhưng những lĩnh vực nghiên cứu này lại không đóng vai trò một chỉ dấu bước
ngoặt nào trong hệ thống KH&CN của thế giới. Trường hợp Lý thuyết sáng chế
TRIZ (tiếng Nga: Теория Решения Изобретательских Задач; tiếng Anh: Theory of
Inventive Problem Solving) do Altshuller đề xướng từ một quốc gia XHCN (Liên
Xô) là một trường hợp cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử khoa học của thế giới.
Không những vậy, mà những
lĩnh vực KH&CN mới, khi được du nhập vào Liên Xô và các nước XHCN còn bị
phê phán, thậm chí bị đàn áp, không chỉ các trường phái triết học không-marxist
và khoa học xã hội, như Phân tâm học, Xã hội học, Tâm lý học hiện đại, mà cả
các lĩnh vực không phải khoa học xã hội, như Di truyền học, Sinh lý học hiện
đại, Lý thuyết Hệ thống, Điều khiển học, Toán Kinh tế, v.v…
Vì sao lại xuất hiện tình
thế đó? Phải chăng đó là vấn đề có quan hệ tới vốn xã hội? Khi tìm được lời
giải đáp cho câu hỏi này, thì chắc chắn sẽ tìm được con đường giải tỏa những
rào cản cho sự phát triển khoa học của nước ta.
Việt Nam có thể và rút
được rất nhiều bài học bài học về những thiết chế đã dẫn đến suy kiệt vốn xã
hội cho sự phát triển KH&CN ở Liên Xô và các nước vốn là XHCN?
Tôi nhắc lại một vài câu
chuyện thú vị về vấn đề này trong cuốn Tin học và Chủ nghĩa xã hội của Moseev [6], đã
được Viện Thông tin Khoa học Xã hội dịch ra tiếng Việt và xuất bản năm 1987:
Câu chuyện thứ nhất,
Moseev kể rằng, vào thập niên 1960, mỗi khi đi dự các hội nghị quốc tế về tin
học, được nghe các nhà nghiên cứu khối tư bản tham luận, thì ông đánh giá họ
nói ngô nghê như trẻ con nói, nhưng sang giữa thập niên 1970, khi đi dự các hội
thảo quốc tế về tin học, thì chính ông lại ngu ngơ chẳng hiểu mô tê gì cả. Ông
đánh giá, trình độ tin học của Liên Xô đã thụt lùi sau thế giới có lẽ đến vài
ba thập niên. Giải thích vì sao như vậy, Moseev cho rằng, sở dĩ Liên Xô xuất
hiện vai trò tiên phong về tin học, là do nhu cầu chinh phục vũ trụ đã đi trước
Mỹ, nhưng sau đó bị tụt hậu, là vì nhu cầu tin học phục vụ phát triển kinh tế
thị trường đã làm cho Mỹ và thế giới tư bản bỏ xa Liên Xô.
Câu chuyện thứ hai, cũng
câu chuyện của chính Moseev, người lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật tính toán thuộc
Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô áp dụng tin học vào hệ thống giao thông Moskva.
Kết quả sau ba tháng, thì cả những chuyên gia giỏi và những tên trộm cắp đều đi
khỏi Sở Giao thông, vì lẽ tin học đã tấn công vào hệ thống tham nhũng và trộm
cắp của công ty này, một nguồn lợi bất chính không chỉ cần cho bọn trộm cắp, mà
cần cả cho các nguồn thu nhập để nuôi sống cả những người lương thiện trong các
công ty của sở này.
***
Cái thiết chế về “sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” của Đảng Cộng sản Liên Xô
đã dẫn đến hình thành các thế lực học phiệt. Đó là những người vốn là các nhà
khoa học nhưng được cơ cấu vào các cấp ủy đảng, và một số không ít trong bọn họ
trở thành những tên trùm học phiệt, sử dụng quyền lực ngoài khoa học để chèn ép
và kìm hãm những người làm khoa học nghiêm túc, vì họ sợ những người này sẽ làm
lu mở vai trò của họ trong mạng lưới học phiệt cắm rế từ Ban chấp hành Trung
ương đến các chi bộ đảng. Vụ án di truyền học do Lysenko phát động, chỉ sau 3
tháng đã dẫn tới kết quả là loại trừ Vavilov khỏi vị trí viện trưởng viện Di
truyền học; từ phê phán đến bỏ tù và xử bắn trên 5000 nhà sinh học xô-viết là
một bài học cay đắng nhất thế kỷ XX về vai trò của giới học phiệt triệt phá cái
vốn xã hội của nền sinh học đã từng đi tiên phong của đất nước xô-viết.
Một hệ chuẩn mực
về KH&CN khác lạ
Một số nhà lãnh đạo, và cả
giới nghiên cứu đã tốn nhiều giấy mực để bàn về chính sách “trọng dụng” và “đãi
ngộ” các nhà nghiên cứu; thành lập các tổ chức khoa học “có tầm vóc”, với những
ưu đãi rất cao về cung cấp các nguồn lực, xem đó là biện pháp để phát triển
mạnh mẽ KH&CN của nước ta. Nhiều nhà lãnh đạo các viện và học viện trực
thuộc Chính phủ hoặc trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng đã được “cơ cấu”
vào những vị trí rất cao trong hệ thống quyền lực của Đảng, Quốc hội và Chính
phủ.
Liệt kê những sự kiện đó
cho thấy, không thể nói Đảng và Nhà nước không quan tâm đến KH&CN. Nhưng vì
sao KH&CN nước ta chưa chiếm một vị trí nào trong nền KH&CN của thế
giới?
Tôi đã thực hiện một số
cuộc phỏng vấn và trao đổi với các nhà nghiên cứu, từ người có địa vị rất quan
trọng trong hệ thống quyền lực khoa học đến những nhân viên bình thường nhất
trong giới nghiên cứu, và nhận ra, dù xét theo bất kỳ quan niệm nào về vốn xã
hội, chúng ta đều khó có cái nhìn thật sự khả quan đối với cái “vốn xã hội” cho
KH&CN ở nước ta trên vài khía cạnh của vốn xã hội mà tôi cảm thấy đáng quan
tâm nhất. Đó là “mạng lưới bền vững” (theo Bourdieu), “các chuẩn mực” (theo Fukuyama) và “sự hợp tác”
(theo Putnam)
Xét về chuẩn mực của
KH&CN, Việt Nam
có một hệ chuẩn mực về KH&CN khác lạ so với thế giới. Chúng ta có thể điểm
vài chuẩn mực:
- Các viện nghiên cứu được
phân chia đẳng cấp theo thang bậc hành chính: viện ngang cấp Bộ, viện ngang cấp
cục/vụ, từ đây có các viện trưởng hàm Bộ trưởng, hàm vụ trưởng và các loại hàm
khác. Các nhà lãnh đạo khoa học này ngồi phán xét khoa học từ thang bậc hành
chính của họ.
- Giá trị khoa học của đề
tài được đánh giá… cũng theo “đẳng cấp” của đề tài: Đề tài “cấp” nhà nước được
đánh giá cao nhất, rồi đến đề tài “cấp” bộ và cuối cùng là đề tài “cấp” cơ sở.
Không có thứ hạng nào cho các đề tài “cấp” cá nhân, kiểu như công trình Tư bản
luận của Marx, hay Lý thuyết tương đối của Einstein.
- Các “giá trị” bị hành
chính hóa này của khoa học lại được xem là tiêu chuẩn để cho điểm xét “phong”
giáo sư, một thứ “hàm” để vinh danh, thay vì giáo sư là một chức vụ được bổ
nhiệm để lãnh đạo khoa học.
- Rồi đến các danh hiệu
“Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân” được gắn các tiêu chuẩn “Phải là chiến sỹ
thi đua 5 năm liên tục, trong đó có 2 năm là chiến sỹ thi đua cấp Bộ”. Còn
chiến sỹ thi đua là gì, thì giới nghiên cứu đều hiểu rất rõ: nó có quá ít mối
liên hệ với những nỗ lực chuyên môn của người nghiên cứu.
Các chuẩn mực giá trị ảo
này đã đẩy giới nghiên cứu chạy theo những thứ không phải khoa học. “Mạng lưới
bền vững” bị phá vỡ vì sự can thiệp của những giá trị ảo này.
***
Chúng ta được nghe nhiều ý kiến phê phán những người được trao quyền lãnh đạo
các viện trực thuộc Chính phủ, cho rằng các viện mà họ thành lập đã không làm
được nhiệm vụ đẩy KH&CN Việt Nam lên đỉnh cao như mong muốn. Tuy nhiên,
nghĩ công bằng hơn, chúng ta cần nhìn vào cái vốn xã hội đã và đang nuôi dưỡng
sự tồn tại và phát triển của các viện này. Chưa xét vốn xã hội, chỉ xét riêng
về cái vốn tài chính mà một viện mới được thành lập: Viện này được nhận 600 tỉ
VNĐ, tức 30 triệu USD trong 10 năm, tức 3 triệu USD mỗi năm, thì cũng đã quá
khiêm nhường, con số đó mới chỉ bằng 1/10 kinh phí của một Khoa Hóa của Đại học
Lund (Thụy Điển), cộng với cái vốn xã hội quá hạn hẹp, chắc không bằng 1/1000
của Đại học Lund, thì chúng ta có thể tạm đưa ra một dự báo rằng số phận của
Viện này chắc sẽ không lạc quan hơn các viện trực thuộc Chính phủ được thành
lập từ đầu thập niên 1960-1970 đến nay.
So với các tổ chức
KH&CN bình thường trong xã hội, các viện và học viện trực thuộc BCHTƯ và
Chính phủ có những vị trí rất cao trong hệ thống quyền lực, đã nhận được những
đặc quyền rất cao về điều kiện vật chất và tài chính. Nhưng vì sao họ vẫn chưa
đóng được vai trò đẩy nền KH&CN Việt Nam lên tương xứng với mong đợi của
cộng đồng KH&CN. Tôi cho rằng, các viện và học viện này thiếu một thứ rất
quan trọng: Thiết chế tự trị trong khoa học. Họ, cùng với cộng đồng KH&CN
Việt Nam
vẫn đi theo đường mòn “Xin – Cho” các chương trình/đề tài “cấp” càng cao càng
tốt, mà đỉnh cao nhất là “cấp” Nhà nước.
Thiết chế của một “Nhà
nước độc tôn làm khoa học”, với các hình thức đa dạng “Nhà nước mở thầu dự án”,
“Nhà nước giao nhiệm vụ”, “Nhà nước nghiệm thu công trình”, … một số đồng
nghiệp còn mong muốn được “Nhà nước mua sản phẩm” … Thật ra, làm gì có “Ông Nhà
nước nào” cần thiết “sở hữu” cái sản phẩm khoa học của chúng ta. Cái “Ông Nhà nước
ấy” là rất trừu tượng. Chúng ta, các thành viên trong xã hội, tự mình hãy ý
thức vị trí của mình trước khoa học, và hãy để cho Nhà nước giữ vai trò người
nhạc trưởng, người supervisor, với sứ mệnh quản lý vĩ mô cái hoạt động
KH&CN của mọi thành viên trong xã hội. Còn xem “Ông Nhà nước” là một ông
chủ trừu tượng, để “Ông Nhà nước” trực tiếp nhúng tay vào mọi hoạt động
KH&CN, tự biến mình thành những “thần dân” được “trọng dụng” và được “đãi
ngộ”, chính là đang làm suy yếu cái vốn xã hội cho sự phát triển KH&CN Việt
Nam.