SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giai đoạn 2011-2020: “Gỡ rối” cho các địa phương phát triển khoa học, công nghệ

[16/03/2013 11:24]

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tại các địa phương đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) tại các địa phương thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Đầu tư chưa xứng tầm

Hiện nay, nước ta dành 2% ngân sách cho KH&CN, con số này còn thấp so với yêu cầu và so với các nước trong khu vực. Trên thực tế, chi cho cán bộ nghiên cứu ở nước ta còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực: Ở Việt Nam, năm 2010, con số này là 981,3 USD/1 nhà khoa học; trong khi đó, ở Philippines là 52.370USD, Thái Lan là 81.764USD, Malaysia là 208.857USD, Singapore là 217.431USD…

Trong tổng đầu tư 2% ngân sách cho KH&CN, kinh phí dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2006-2012 chiếm khoảng 35,4%, trong đó khoảng 17,7% được phân bổ thông qua ngân sách địa phương. Tuy nhiên, số địa phương sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích rất thấp, phần lớn chi cho các lĩnh vực khác không đúng mục đích đầu tư phát triển KH&CN. Còn lại, dành cho kinh phí sự nghiệp 46,4% tổng đầu tư, trong đó 15,5% tổng đầu tư được phân bổ thông qua ngân sách địa phương.

Tỷ lệ sử dụng (giải ngân) kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN ở các địa phương hiện nay cũng còn rất thấp (năm 2006, các địa phương thực hiện được 8,5% kinh phí đầu tư phát triển, năm 2007 thực hiện được 26,35%, năm 2008 thực hiện được 20,51%, năm 2009 thực hiện được 36,62%, năm 2010 thực hiện được 49,32%, năm 2011 thực hiện được 58,5%, năm 2012 thực hiện được 79%). Số kinh phí còn lại, một số địa phương sử dụng để xây dựng đường vào khu công nghiệp; xây dựng bệnh viện tuyến huyện; xây dựng khu xử lý chất thải rắn; xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên dưới lòng đất, tài nguyên mặt nước…

Thực trạng chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN tại các địa phương còn nhiều bất cập, nguồn kinh phí huy động từ các quỹ phát triển KH&CN lại càng hạn chế. Hiện nay, trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, mới chỉ có 29 tỉnh thành lập được quỹ này.

Theo TS Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng - Trưởng ban KH&CN địa phương, những năm gần đây, nguồn kinh phí KH&CN từ NSNN chi cho sự nghiệp khoa học và nghiên cứu phát triển (R&D) đang giảm trong khi chi cho các mục đích dự phòng và quốc phòng - an ninh ngày càng tăng. Điều đó cho thấy ngân sách dự phòng ngày càng nhiều và ngân sách chi cho đầu tư phát triển ngày càng ít đi và đầu tư cho nghiên cứu phát triển cũng có thể thay đổi.

Tạo "cú hích" mạnh

KH&CN địa phương cần có những "cú hích" đủ mạnh để làm thay đổi diện mạo, tạo ra bứt phá cần thiết cho sự phát triển. Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực đưa KH&CN địa phương phát triển.

TS Hồ Ngọc Luật cho biết: "Để đẩy mạnh phát triển KH&CN địa phương, chiến lược chỉ rõ cần tập trung khai thác lợi thế, đặc thù của từng vùng để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực. Đối với vấn đề này, phải thành lập được tại mỗi vùng một mô hình liên kết giữa sản xuất - kinh doanh, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và tạo lập môi trường giữa các tỉnh trong vùng, giữa các vùng với nhau, để từng bước hình thành được các trung tâm phát triển vùng làm đầu tàu ở các vùng kém phát triển về KH&CN. Bên cạnh đó, cần hình thành các sàn giao dịch từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng kết nối với các tỉnh, thành phố khác qua các trung tâm ứng dụng".

Chiến lược cũng đặt vấn đề tăng cường hỗ trợ để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng mà các địa phương cần quan tâm để hình thành được các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu ứng dụng thông tin tập trung, các vùng sản xuất hàng hóa lớn. "Các địa phương phải sản xuất nông nghiệp sạch với quy mô công nghiệp, ứng dụng được công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất" - TS Hồ Ngọc Luật gợi ý. Đối với các vùng kinh tế trọng điểm nói chung, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ (đạt 20-25%/năm; tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt khoảng 45%), hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung...

Mới đây, tại hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý, nhiệm vụ đưa KH&CN trở thành động lực quan trọng và là một phần của chiến lược phát triển xã hội là rất nặng nề, khó khăn nếu lãnh đạo địa phương không ủng hộ, không quan tâm. Do đó, việc sử dụng nguồn lực để chứng minh vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế rất quan trọng.

Như vậy, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế đầu tư cho KH&CN địa phương. Trong đó, ngoài nguồn lực của Nhà nước, việc xã hội hóa đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là cơ chế tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN là điều hết sức quan trọng. 

Báo Hànộimới (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ