SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng mô hình đánh giá chất lượng chôm chôm ứng với các điều kiện xử lý khác nhau sau thu hoạch

[04/05/2013 09:24]

Hội đồng KH&CN tỉnh Bến Tre vừa tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học: “Xây dựng mô hình đánh giá chất lượng chôm chôm ứng với các điều kiện xử lý khác nhau sau thu hoạch tại tỉnh Bến Tre”. Đề tài do Phó Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Thủy và nhóm nghiên cứu, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Báo cáo kết quả thực hiện đề tài

Bến Tre có diện tích chôm chôm 5.230 ha, tập trung nhiều nhất ở hai huyện Chợ Lách và Châu Thành. Sản lượng đạt 87.400 tấn/năm. Diện tích chôm chôm Bến Tre chỉ sau tỉnh Đồng Nai (11.400 ha). Cây chôm chôm đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho nông dân. Tuy nhiên, sau khi được thu hoạch, trong quá trình sinh hóa, vỏ trái bị biến đen do enzyme, thay đổi thành phần hô hấp và các đặc điểm khác như dư lượng hóa chất độc hại, tổn thương trái do cơ học, nấm mốc, côn trùng gây ra nên trái chôm chôm bị giảm chất lượng và giá trị kinh tế. Vì vậy, việc xây dựng mô hình đánh giá chất lượng trái chôm chôm tươi ở các độ tuổi. Xác định các điều kiện xử lý và tồn trữ, giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản là rất cần thiết cho công tác thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch chôm chôm.

Đề tài được thực hiện với mục tiêu xây dựng bảng màu trái chôm chôm ở các giai đoạn chín và bảo quản; Xây dựng mô hình đánh giá giá trị thương phẩm trái chôm chôm cùng với các biện pháp xử lý và bảo quản trái tươi phù hợp; Đề xuất thông số tối ưu cho quá trình sử dụng trái và kéo dài thời gian bảo quản trái chôm chôm tươi sau thu hoạch.

Tác giả và nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu các nội dung thu hoạch, các biện pháp xử lý sau thu hoạch, tồn trữ trái trên 2 loại chôm chôm Java và chôm chôm nhãn ở 2 vụ thuận và vụ nghịch. Kết quả, qua quá trình nghiên cứu thực tế và thí nghiệm, tác giả đã có những đánh giá như sau:

Đối với giai đoạn thu hoạch, thời gian thu hoạch tốt nhất khoảng 90-95 ngày từ khi đậu trái cho đến lúc chín đối với chôm chôm Java và từ 105-110 ngày đối với chôm chôm nhãn. Độ đường của trái từ 18-18,5% đối với chôm chôm Java và từ 18-19% đối với chôm chôm nhãn.

Về công tác bảo quản, tác giả khuyến cáo xử lý trái bằng acid citric, clorua calci nồng độ 0,5-0,4% trong 2 phút. Bảo quản trái ở nhiệt độ 10 độ C trong túi PE có đục lổ, trái còn tốt sau 15 ngày. Bảo quản bằng túi PP luân chuyển nhiệt độ có thể kéo dài đến 18 ngày. Ngoài ra, đề tài đã xây dựng được bảng màu chôm chôm với các chỉ tiêu chất lượng, giúp nông dân và doanh nghiệp thu hoạch trái dễ dàng và chính xác. Đồng thời xây dựng quy trình thu hoạch, xử lý và tồn trữ chôm chôm.

Các  thành viên Hội đồng KH&CN đánh giá đề tài đã hoàn thành mục tiêu, sản phẩm và đúng tiến độ. Phương pháp nghiên cứu hợp lý, đề tài có giá trị khoa học và giá trị ứng dụng vào thực tiễn cao. Hội đồng đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.

http://www.dost-bentre.gov.vn (ttxthanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ