Bạc Liêu: Phát huy nguồn lực trí tuệ để phát triển nhanh và bền vững
Những năm qua, các thế hệ trí thức của Bạc Liêu đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị, nâng cao trí tuệ và sức lãnh đạo của Đảng; phát triển kinh tế, giáo dục; đi đầu trong phong trào tiến quân vào khoa học - công nghệ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đưa Bạc Liêu ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Để phấn đấu đưa Bạc Liêu sớm ra khỏi tỉnh kém phát triển, trở thành
tỉnh phát triển mạnh trong khu vực và cả nước, trong những năm gần đây, các cấp
uỷ đảng, chính quyền đã quan tâm đến xây dựng và phát triển đội ngũ trí
thức. Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo,
chỉ đạo xây dựng, do vậy đội ngũ trí thức của tỉnh phát triển khá nhanh. Hiện
nay, người có trình độ đại học trên 11.580 người, chiếm 1,9% số lao động toàn
tỉnh. Trình độ thạc sĩ mỗi năm trên 200 người, tiến sĩ 10 người. Số lao động có
trình độ cao đẳng, đại học ra trường hàng năm khoảng 700 - 800 người. Đây là
nguồn nhân lực quan trọng của địa phương, đóng góp tích cực vào việc thực hiện
các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh, đáp ứng kịp
thời công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đến nay, đã có 249 trí
thức trẻ được tỉnh tiếp nhận, đưa về công tác tại các xã, phường, thị trấn. Chương
trình Mê Kông 50 thu hút học bổng quốc tế IFP để đào tạo nguồn nhân lực có
trình độ sau đại học cho tỉnh đã tuyển 5 đợt, có 38 ứng viên tham gia, trong đó
có 36 ứng viên thạc sĩ, 2 tiến sĩ. Chương trình bước đầu đã tạo nền tảng trong
quan hệ quốc tế nhằm mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật có
trình độ sau đại học của tỉnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá,
thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế.
Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện có
hiệu quả vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí
thức. Hệ thống tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật ngày càng được mở
rộng lên đến 18 Hội thành viên với trên 5.500 hội viên. Lực lượng trí thức, văn
nghệ sĩ trong hệ thống tổ chức Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật phát triển
mạnh với 11 hội và chi hội với 365 hội viên, có nhiều hoạt động tích cực, đóng
góp quan trọng trong hoạt động của đội ngũ trí thức của tỉnh. Bốn năm qua, tỉnh
Bạc Liêu có trên 111 đề tài, dự án được đầu tư, nghiên cứu khoa học cấp cơ sở,
cấp tỉnh và cấp nhà nước. Trong đó có 64 đề tài, dự án được triển khai ứng
dụng; 13 đề tài, dự án triển khai đạt hiệu quả cao. Quy hoạch và xây dựng Trung
tâm nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện;
xây dựng các cơ sở thí nghiệm đủ tiêu chuẩn trong các trường học, nhất là
Trường Đại học Bạc Liêu để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng,
chuyển giao khoa học, công nghệ; một số cơ quan, ngành tỉnh đã xây dựng nhà
công vụ cho những cán bộ khoa học, nhà giáo; các thiết chế văn hoá xã hầu hết
đều có thư viện, phòng đọc, có máy tính kết nối mạng internet,... phục vụ công
tác nghiên cứu, thông tin. Tổ chức nhiều chuyến giao lưu, học tập kinh nghiệm,
phối hợp hoạt động với các tổ chức khoa học, văn hoá, văn học - nghệ thuật,
giáo dục trong và ngoài nước, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động về khoa
học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá, văn học - nghệ thuật của tỉnh.
Đã xây dựng được quỹ phát triển khoa học - công nghệ và quỹ sáng tác văn học - nghệ
thuật để hỗ trợ cho các tác giả sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến
khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển khoa học.
Sự nghiệp giáo dục của tỉnh trong những năm qua có sự phát triển khá nhanh.
Năm học 2011 - 2012, số học sinh đã tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông
4.111 em; hệ bổ túc trung học phổ thông là 651 em; học viên - sinh viên các
trường cao đẳng và đại học có trên 15.000 người. Có thể nói đây là lực lượng dự
nguồn quan trọng cho việc xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh trong thời gian
tới. Đội ngũ trí thức ngành y tế của tỉnh có số lượng khá đông; toàn tỉnh hiện
có 2.982 người, với 462 bác sỹ; cán bộ dược 336. Số trí thức của ngành y tế
tỉnh đã tham gia nghiên cứu và triển khai ứng dụng một số công trình khoa học
trong khám và điều trị bệnh có hiệu quả, hằng năm trung bình có 30 đề tài
nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp tỉnh về các lĩnh vực chuyên môn của ngành.
Đội ngũ trí thức đã tham gia tích cực vào quá trình chuyển giao tiến bộ khoa
học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất với 34 đề tài được nghiệm thu áp dụng vào
thực tế sản xuất, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hoá
cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Điểm nổi bật của đội ngũ trí
thức trong các ngành khoa học xã hội nhân văn là thực hiện khá tốt việc tuyên
truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp
nhân dân, góp phần có hiệu quả vào việc cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết
của Đảng và xây dựng, phát triển đời sống văn hoá, tinh thần cho các tầng lớp
nhân dân trong tỉnh. Trí thức trong các ngành công nghiệp, thương mại và du
lịch, khoa học kỹ thuật và công nghệ có nhiều cố gắng trong việc áp dụng các tiến
bộ khoa học - công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ thông tin vào công tác
quản lý góp phần vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất, kinh
doanh; nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá và khả năng cạnh tranh trong quá
trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức được
tỉnh đặc biệt quan tâm. Quy định mức trợ cấp đối với Tiến sĩ là: 100 triệu đồng,
Bác sĩ Chuyên khoa II là: 80 triệu đồng, Thạc sĩ là: 30 triệu đồng, Bác sĩ
Chuyên khoa I là: 20 triệu đồng. Ngoài mức trợ cấp trên cán bộ, công chức, viên
chức là nữ và người dân tộc thiểu số còn được hưởng thêm 5 triệu đồng. Đối với
chế độ trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện về công tác và làm
việc tại tỉnh thì mức trợ cấp cho chức danh Giáo sư tiến sĩ là: 500 triệu đồng
và được bố trí nhà ở công vụ; Phó Giáo sư tiến sĩ là: 400 triệu đồng và được bố
trí nhà ở công vụ; Tiến sĩ là: 300 triệu đồng và nhà ở công vụ; Bác sĩ Chuyên
khoa II là: 200 triệu đồng và nhà ở công vụ; Thạc sĩ là: 100 triệu đồng. Đối
với thợ bậc cao 7/7 là: 100 triệu đồng; Bác sĩ Chuyên khoa I là: 50 triệu đồng.
Bên cạnh những chế độ trợ cấp trên còn được ưu tiên mua nhà ở, đất ở, ưu đãi cụ
thể về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt; thực hiện mức thưởng đối với các
giải thưởng cao của tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắng nhìn nhận là đội ngũ trí thức của tỉnh
mặc dù có tăng về số lượng và chất lượng nhưng trước yêu cầu sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định.
Đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ cao ở các ngành kinh
tế mũi nhọn, các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật nhìn chung còn thiếu và yếu.
Nguyên nhân thì nhiều nhưng tựu chung lại là do đào tạo, quản lý, sử dụng và
chế độ đãi ngộ đội ngũ trí thức trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều bất
cập, chưa hợp lý; chưa gắn việc phát triển đội ngũ trí thức với quy hoạch phát
triển kinh tế - xã hội; công tác đào tạo còn chạy theo số lượng mà chưa chý ý
nhiều đến chất lượng.
Nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực trí tuệ để đưa tỉnh nhà phát triển
nhanh và bền vững, đội ngũ trí thức cần tiếp tục phát huy cao độ sức sáng tạo, tham
gia tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học cho
tỉnh đề ra kế hoạch, xây dựng dự án phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đảm
bảo an ninh quốc phòng. Đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng và truyền bá
tiến bộ khoa học - công nghệ tiên tiến, đổi mới phương thức sản xuất, kinh
doanh; tổ chức và hướng dẫn phong trào quần chúng lao động phát huy sáng kiến,
cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Sáng tạo ra nhiều công trình nghệ thuật
có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Tích cực thực hiện đổi mới, phát triển và
nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo
nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân
dân. Đi tiên phong trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn
hóa, truyền bá tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần xây dựng đời
sống tinh thần cao đẹp của nhân dân. Thiết nghĩ, nếu nguồn lực trí tuệ được
phát huy sẽ là cơ sở để phát huy các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, là động lực
thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị thế của
tỉnh Bạc Liêu.
Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương (nthieu)