SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sản xuất lúa theo hướng VietGAP: Nhiều lợi ích

[05/07/2013 21:28]

Năm qua, cây lúa Một bụi đỏ trồng theo quy trình VietGAP trên đất nuôi tôm được thí điểm thành công nhiều nơi ở huyện Hồng Dân. Qua đó, giúp nông dân làm ra hạt lúa sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, mô hình còn thắt chặt mối liên kết “4 nhà” nhờ giải quyết đầu ra cho hạt lúa đang bị mất giá.

Nông dân Bạc Liêu thu hoạch lúa sản xuất theo chương trình VietGAP. Ảnh: K.T

Từ lâu, nông dân huyện Hồng Dân đã gắn bó với cây lúa Một bụi đỏ. Cứ thu hoạch xong vụ tôm thì chuẩn bị xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm. Song, năng suất và hiệu quả kinh tế từ cây lúa đem lại chưa cao. Để cây lúa thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân huyện Hồng Dân, năm 2012, Sở KH-CN kết hợp với huyện Hồng Dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn và ghi chép sổ tay sản xuất lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm theo hướng GAP. Mô hình được thí điểm trên 30ha đất nuôi tôm thuộc 3 xã Ninh Hòa, Vĩnh Lộc và Lộc Ninh.

Để mô hình thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, Sở KH-CN đã tiến hành phục tráng giống lúa Một bụi đỏ nhằm tạo ra lúa giống chất lượng cao. Đồng thời, trong quá trình phục tráng đã làm giảm hàm lượng Amylose trong hạt lúa. Từ đó, lúa Một bụi đỏ sẽ cho hạt gạo mềm cơm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Khi thực hiện mô hình, Sở KH-CN kết hợp với huyện Hồng Dân mở nhiều lớp tập huấn cho người nông dân nắm bắt kỹ thuật canh tác. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với nông dân để chăm sóc mùa vụ.

Với nông dân huyện Hồng Dân, trồng lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm theo hướng GAP là một hình thức canh tác mới. Ban đầu, nhiều nông dân còn bỡ ngỡ với quy trình sản xuất (như khâu cải tạo đất, sạ hàng, sử dụng chế phẩm phân bón sinh học thay cho phân hóa học, ghi chép sổ tay theo dõi…). Tuy nhiên, với năng suất thu hoạch lúa khá cao đã thật sự gây bất ngờ cho bà con nông dân.

Ông Trần Văn Vẹt (ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa) phấn khởi nói: “Lúc đầu, khi được khuyến khích thực hiện mô hình GAP, tôi cũng hơi lo. Song, đến khi thu hoạch, năng suất rất cao, tôi rất mừng. Với 3,5ha đất, vụ lúa rồi tôi thu được gần 20 tấn, bình quân năng suất đạt hơn 5 tấn/ha (trước đây chỉ đạt 3,5 - 4 tấn/ha). Đây là lần đầu tiên tôi trồng giống lúa Một bụi đỏ trúng như vậy”.

Canh tác lúa Một bụi đỏ theo quy trình GAP ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, còn góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình canh tác, các loại vật tư nông nghiệp hóa học được thay bằng phân, thuốc vi sinh. Bà Từ Thị Sinh (ấp Bà Ai II, xã Lộc Ninh) cho rằng: “Sử dụng phân, thuốc sinh học trong sản xuất lúa, tôi thấy hiệu quả không thua kém gì phân thuốc hóa học. Bên cạnh đó, nông dân còn làm ra được hạt lúa sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường”.

Ngoài những lợi ích trên, nông dân còn được bao tiêu sản phẩm đầu ra. Theo ông Hà Văn Mừng (ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa): “Năm trước, khi lúa thị trường chỉ bán được từ 5.000 - 5.500 đồng/kg, thì lúa Một bụi đỏ sản xuất theo mô hình GAP ở đây được huyện Hồng Dân thu mua với giá 6.300 đồng/kg. Với giá lúa cao như vậy, nông dân ai cũng phấn khởi”.

Mô hình trồng lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm theo hướng GAP đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Vì vậy, thiết nghĩ, trong năm 2013, chính quyền địa phương cần nhân rộng diện tích canh tác.

Bạc Liêu Online (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ